Multimedia Đọc Báo in

Nhạc sĩ Trần Hoàn và những ca khúc cách mạng nổi tiếng

08:35, 24/05/2023

Trần Hoàn (1928 - 2003) là một nhạc sĩ tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng cho gia tài ca khúc cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều ca khúc nổi tiếng, được nhiều người biết đến.

Ca khúc đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp gây được tiếng vang trong công chúng yêu âm nhạc là “Sơn nữ ca” nổi tiếng khi Trần Hoàn mới 20 tuổi. Tác giả kể lại rằng: “Tôi viết Sơn nữ ca lúc 20 tuổi, khi vừa được kết nạp Đảng. Thấy dáng vẻ học sinh non nớt của tôi, người chỉ huy khuyên “Đi vào mà tắm lửa đi đã!” - vào là... vào chiến khu. Vậy là tôi vào hẳn chiến khu Quảng Bình. Ở đó, có những đêm lửa trại rất lớn và tôi luôn được các cô nữ sinh Trường Phan Bội Châu (trong chiến khu) chú ý bởi tài đàn hát của mình. Bị các cô “đeo bám” quá, tôi làm Sơn nữ ca để bày tỏ chí hướng của mình: “Sơn nữ ơi! làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi! Thời cơ đến rồi, đợi ngày ra tay”. Thật ra, các cô đều là nữ giữa chiến khu nên tôi gọi các cô là “sơn nữ” cho... thi vị!”.

Cố nhạc sĩ Trần Hoàn.

Bài hát vừa có chất lãng mạn tiền chiến với giai điệu tango tiêu biểu của phương Tây lại vừa trong trẻo, lạc quan; rộn rã mà tình tứ, thiết tha. Tình yêu đôi lứa hòa quyện trong tình yêu đất nước và kháng chiến đã khiến ca khúc bay bổng, say đắm lòng người. “Một đêm trong rừng vắng. Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh. Một đêm trong rừng núi. Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng...”.

Sau sáng tác này, Trần Hoàn tiếp tục cho ra đời một ca khúc nổi tiếng khác như một tuyên ngôn âm nhạc sẽ thủy chung với kháng chiến đến cùng, đó là bài hát: “Rằng kháng chiến còn trường kỳ...”, về sau đổi tên thành “Lời người ra đi”. Xuất xứ bài hát này là vào năm 1950, nhạc sĩ Trần Hoàn từ Hà Nội vào tạm biệt cơ quan cũ là Sở Tuyên truyền văn nghệ Liên khu 4 để ra Hải Phòng nhận công tác mới. Lúc ấy, ông cũng vừa mới cưới vợ. Trong cảm xúc riêng - chung đan xen, ông sáng tác ca khúc “Lời người ra đi” với lời đề tặng người vợ của mình: “Một chiều anh bước đi, em tiễn đưa ra tận cuối đồi. Nghe dặn lời rằng kháng chiến còn trường kỳ, rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ. Máu còn rơi, xương còn rơi. Bao lớp người tiền tuyến tuôn ra. Ngăn quân thù dày xéo dân ta. Cho cuộc đời mới. Một ngày vui sẽ tới phơi phới...”.

Điệp khúc vang lên cũng lại là hình ảnh và quyết tâm kháng chiến đến cùng, một cuộc kháng chiến trường kỳ và cũng đầy gian khổ, hy sinh như chính bài hát đã khẳng định: “Như dòng sông ra đại dương. Qua bao ghềnh và đá cheo leo. Đấu tranh này còn dài em ơi, mới đến ngày chiến thắng. Và xa xôi, em nhớ lời dù kháng chiến còn trường kỳ, dù kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ”. Nhưng cho dù còn muôn vàn gian nan, thử thách thì lòng người dân Việt vẫn vững tin vào thắng lợi cuối cùng, vào một ngày mai tươi sáng. Đó là kết thúc không thể khác của một niềm tin sắt đá thể hiện qua ca khúc: “Súng còn vang dân lầm than. Đây chiến trường thề quyết xông pha, ánh dương bầu trời Việt Nam ta, mong hoà bình tới, để toàn dân vui sống no ấm. Trên đồng xanh em cùng anh, lấy sức người vượt sức thiên nhiên. Sống vui cùng đồng lúa nương khoai. Cho một mùa gió thắm. Và dâng lên bao tâm hồn, đầy sức sống hoà tình đời, tình phơi phới mừng ngày về tràn đầy tin tưởng”.

Bài hát nhanh chóng được phổ biến và công chúng âm nhạc đón chào nồng nhiệt, phổ biến vào tận vùng tạm chiếm, sau năm 1954 vẫn được lưu truyền ở miền Nam. Đến nỗi khi nước nhà thống nhất, nhạc sĩ vào thăm miền Nam, nhiều khán thính giả chào ông, gọi ông là tác giả của “Lời người ra đi” khiến nhạc sĩ Trần Hoàn cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc.

Đương nhiên sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Hoàn không chỉ có bấy nhiêu, nhưng chỉ ngần ấy thôi cũng đủ thấy phần nào tâm hồn và chân dung của một nghệ sĩ - chiến sĩ như ông.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc