Bảo tồn giá trị của cồng chiêng
Theo Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Vũ Lân, âm thanh là giá trị “cốt lõi” của cồng chiêng. Âm thanh chuẩn, đúng sẽ mang đến một bài chiêng hay, giá trị. Vì vậy, nghề chỉnh chiêng có vị trí quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Chỉnh chiêng là khâu cần thiết để giữ cho tiếng chiêng được đúng, chuẩn âm, nhưng thực tế hiện nay các buôn làng ngày càng thiếu vắng nghệ nhân chỉnh chiêng, nên khi có chiêng bị hư hỏng, sai lệch âm thanh thường phải mang đi xa để chỉnh sửa. Điều này không chỉ gây bất tiện mà còn ảnh hưởng đến chất lượng bài chiêng, bởi nếu phát triển được các đội chiêng nhưng không ai có thể thẩm âm và chỉnh âm cho đúng trước khi diễn tấu, thì những bài chiêng sẽ trở nên sai lạc. Nhất là đối với thế hệ trẻ, cứ nghe tiếng chiêng bị lạc điệu, sai âm thì các em sẽ không hình dung được bộ chiêng chuẩn có âm thanh như thế nào.
NSƯT Vũ Luân truyền dạy kiến thức, kỹ năng chỉnh chiêng cho các nghệ nhân. |
Trước thực trạng đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã triển khai việc mở các lớp truyền dạy chỉnh chiêng. Trong lớp truyền dạy chỉnh chiêng Êđê mới mở vào trung tuần tháng 5 vừa qua, học viên phần lớn là các nghệ nhân người Êđê đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; khá nhiều trong số này là những nghệ nhân ưu tú, đã có nhiều cống hiến và tâm huyết với bảo tồn văn hóa cồng chiêng như nghệ nhân Y Wơn Niê (huyện Krông Năng), nghệ nhân Y Wang H’Wing (huyện Cư M’gar)…
Theo NSƯT Vũ Lân, việc một nghệ nhân diễn tấu chiêng thành thục, hay, nhưng chưa biết chỉnh chiêng cũng là điều dễ hiểu. Bởi việc chỉnh chiêng có những nguyên tắc riêng, rất khó học. Người chỉnh chiêng phải "bắt được bệnh" của chiêng và có những phương pháp chỉnh sao cho phù hợp. Đơn cử, để chỉnh được một chiếc chiêng bị lỗi âm thanh, đầu tiên phải xác định được loại chiêng, đó là chiêng cổ hay chiêng mới đúc, là chiêng nguyên bộ hay ráp từ nhiều bộ lại với nhau… Sau đó căn cứ vào âm chuẩn của chiếc chiêng đó để chỉnh vì mỗi loại chiêng đều có âm vực riêng. Vì vậy, khi chỉnh chiêng thì phải có sự đồng bộ cả bộ chiêng chứ không thể chỉnh riêng từng chiếc.
NSƯT Vũ Lân và Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan là giảng viên của lớp truyền dạy chỉnh chiêng. Với sự tâm huyết, hai giảng viên đã truyền đạt các kiến thức rất kỹ lưỡng, hướng dẫn từng nghệ nhân thực hành từng công đoạn của công việc này. Theo Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan, trước đây chỉnh chiêng phải dùng nhiều phương pháp như gò, cạo; ngày nay chỉnh chủ yếu là gò, muốn cho âm cao thì gò từ bên trong ra bên ngoài, muốn chỉnh cho âm thấp thì gò từ ngoài vào trong; tùy theo hiện trạng của chiếc chiêng, hoặc bộ chiêng để có sự xử lý cho phù hợp.
Hiểu được những nguyên tắc này, các nghệ nhân tham gia tập huấn đã dành nhiều thời gian để học hỏi, rèn luyện; thường xuyên có sự trao đổi với giảng viên hướng dẫn, thực hành và thảo luận với nhau để có kết quả tốt nhất. Tham gia lớp truyền dạy chỉnh chiêng, nghệ nhân Y Phôn Knul (huyện Cư Kuin) bày tỏ sự vui mừng vì được truyền dạy nghề chỉnh chiêng và còn cảm thấy hạnh phúc vì được gặp gỡ những người nghệ nhân đồng trang lứa, cùng đam mê và trao đổi, trò chuyện, những câu chuyện về buôn làng, về phong tục, về nét đẹp văn hóa. Còn nghệ nhân Y Ngọc Êban (huyện Buôn Đôn) thì bày tỏ kỳ vọng khi về buôn làng sẽ truyền dạy công việc này cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc.
Các nghệ nhân diễn tấu bài chiêng trên bộ chiêng đã được chỉnh chuẩn âm. |
Đến từ huyện Ea Kar, anh Trần Hải Đăng là học viên người Kinh duy nhất và cũng là người có tuổi đời trẻ nhất tại lớp. Sự đam mê của anh dành cho cồng chiêng nói chung và chỉnh chiêng nói riêng đã làm ấm trái tim của bao người, nhất là những nghệ nhân lớn tuổi. Mỗi kiến thức được truyền dạy, anh đều ghi chép cẩn thận, chú ý lắng nghe và thực hành. Anh Đăng chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất khi học chỉnh chiêng chính là sự bất đồng ngôn ngữ và khả năng đánh chiêng. Trước đó anh Hải chịu khó trau dồi và sử dụng thành thạo tiếng Êđê, thường xuyên tập luyện đánh chiêng với các đội cồng chiêng của huyện, nên có những thuận lợi hơn khi tham gia lớp học chỉnh chiêng.
Khi hoàn thành lớp học, hiện rõ trên khuôn mặt các nghệ nhân là niềm vui, sự hạnh phúc; vì chỉ trong một thời gian không dài nhưng họ đã lĩnh hội được nhiều kiến thức, hiểu cơ bản về công việc, nghề chỉnh chiêng; đã có thể thực hành và ứng dụng trong đời sống. Trong niềm hân hoan đó, các nghệ nhân đã diễn tấu các bài chiêng ngay tại buổi bế mạc, từ những bộ chiêng đã được chỉnh chuẩn âm ngay tại lớp truyền dạy. Hình ảnh các nghệ nhân nói chung và anh Đăng nói riêng đã thắp lên niềm hy vọng về việc khôi phục, bảo tồn nghề chỉnh chiêng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các học viên tại các lớp chỉnh chiêng sẽ trở thành nguồn truyền dạy tại các buôn làng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại Đắk Lắk.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc