Multimedia Đọc Báo in

Lớp cha trước, lớp con sau…

17:37, 27/07/2023

Cố nghệ sĩ Y Thim Byă là tác giả của các ca khúc Chung dòng sữa mẹ, Nhịp chiêng gọi H’Bia… được nhiều người biết đến.

Dành tình yêu thiết tha cho văn hóa truyền thống dân tộc, ông đã sưu tầm, chế tác và truyền dạy lửa đam mê giúp thế hệ trẻ sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí, nhạc cụ. Tiếp nối tình yêu âm nhạc của cha, các con của Y Thim đều thích diễn tấu nhạc cụ truyền thống và có thể chơi được rất nhiều loại, từ ching kram, đàn t’rưng, đến sáo, đinh pah, đing năm, đinh buốt, tù và, chồng chiêng…

Theo nghiệp cha, anh Y Nal Êban (SN 1990), hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh tâm sự: Sinh ra trong không gian âm nhạc, được cha truyền dạy từ bé nên các thành viên gia đình đều có “máu” nghệ thuật. Từ rất nhỏ, Y Nal đã say mê học và ghi nhớ đến nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ dân tộc. Được đào tạo bài bản tại các Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và Học viện Âm nhạc Huế, lại nhiều lần góp mặt trên những sân khấu lớn, đã giúp Y Nal thêm trui rèn bản lĩnh làm chủ sân khấu. Không chỉ sành sỏi đàn t’rưng, sáo vỗ, trống, đinh năm, cồng chiêng, Y Nal Êban còn sở hữu giọng hát “vàng” và có thể trổ tài biểu diễn nhiều nhạc cụ phương Tây như piano, ghi ta, trống…

Anh Y Nal Êban (giữa) vừa giỏi sử dụng các loại nhạc cụ, vừa có giọng hát hay.

Với “vốn liếng” kha khá về nghệ thuật, khoảng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Y Nal Êban được đơn vị phát huy tối đa sở trường, góp phần làm dày thêm thành tích nghệ thuật của lực lượng. Anh kể: “Đó là khoảng thời gian năm 2013 - 2015, tôi đã may mắn cùng các anh chị trong Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tham gia rất nhiều chương trình, sự kiện, hội thi nghệ thuật cấp tỉnh và Quân khu 5. Vui nhất có lẽ là các chương trình giao lưu văn hóa ở các địa bàn khó khăn. Âm nhạc đã kết nối bộ đội và nhân dân gần nhau hơn. Chúng tôi luôn có những người mến mộ không ngại mưa gió, đường xa, sẵn sàng nán lại đến phút cuối cùng để dõi theo toàn bộ chương trình nghệ thuật do bộ đội biểu diễn”…

Là người bộc lộ năng khiếu từ khi mới lên 6 tuổi, cậu con út của Y Thim là Y Thu Êban (SN 2000) gây ấn tượng bởi tài năng thiên bẩm về âm nhạc. Năm lên 7, Y Thu đã thuần thục 7 loại nhạc cụ dân tộc. Chuyên nghiệp trong khâu biểu diễn, dù là độc tấu hay hòa tấu, tiếng đàn t’rưng do Y Thu biểu diễn luôn gây ấn tượng bởi những thanh âm trong sáng, thanh thoát như suối nguồn. Nhỏ tuổi, nhưng Y Thu không chỉ có bề dày kinh nghiệm biểu diễn nhạc cụ dân tộc, mà còn giành nhiều giải thưởng giá trị. Đáng kể như giải “Diễn viên trẻ xuất sắc” (mới 8 tuổi) khi tham gia diễn tấu đàn t’rưng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI - năm 2008. Năm 14 tuổi, Y Thu tiếp tục nhận giải “Diễn viên trẻ xuất sắc” tại Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Ban nhạc Bản sắc Tây Nguyên biểu diễn phục vụ khách yêu nhạc.

Tiếp tục duy trì và phát triển ban nhạc “Bản sắc Tây Nguyên” do cha thành lập năm 2007, cả bốn người con của cố nghệ sĩ Y Thim vẫn đang là những thành viên chủ chốt. Anh Y Nal Êban hiện là trưởng nhóm, kiêm hát chính và chơi các loại nhạc cụ; anh Y Chi Êban biểu diễn ghi ta, trống, cồng chiêng, đinh pah, ching kram; anh Y Út Êban biểu diễn cồng chiêng, trống; còn Y Thu Êban luôn là tay t’rưng chính. Ngoài ra, Ban nhạc còn có thêm 10 thành viên khác cũng là con, cháu, người thân trong đại gia đình.

Để chinh phục khán giả trẻ, Ban nhạc Bản sắc Tây Nguyên không chỉ biểu diễn các tiết mục đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, mà còn làm mới mình khi làm mới các ca khúc hiện đại bằng chính nhạc cụ truyền thống. Sự mới mẻ, độc đáo ấy giúp “Bản sắc Tây Nguyên” đến gần hơn với công chúng. Đây cũng là bước tiến giúp ban nhạc gia đình này vừa mang đậm hơi thở truyền thống, nhưng cũng không thiếu phần hấp dẫn người xem bởi đầy sức sáng tạo.

Song  Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.