Multimedia Đọc Báo in

Nghi thức cưới hỏi truyền thống của người Lào ở Buôn Đôn

08:35, 09/07/2023

Mặc dù hiện nay có thể nhiều người đã quen với hình ảnh đám cưới hiện đại qua những nghi thức như cắt bánh, rót sâm panh hay tung hoa... nhưng người Lào ở buôn Trí, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) vẫn giữ phong tục cưới hỏi truyền thống, thể hiện vẻ đẹp văn hóa vô cùng đặc sắc.

Để tiến hành một lễ cưới truyền thống, người Lào nơi đây phải thực hiện bảy nghi thức dưới đây:

Dạm ngõ

Đây là nghi thức đầu tiên mà những cặp đôi yêu nhau muốn tiến đến hôn nhân buộc phải trải qua trước khi tiến hành đám cưới. Với nghi thức này, chàng trai sẽ thưa với bậc trưởng bối cao niên trong gia đình, dòng tộc của mình để cùng sang nhà gái thưa chuyện. Nhà trai phải chuẩn bị lễ vật đặt trong cái khay truyền thống gọi là "khẳn". Trong khay lễ vật dạm ngõ phải có thuốc lá, trầu, cau được gấp trang trí đẹp mắt. Có một lượng tiền đặt trên khay đó gọi là "ngân khảy pạk" nghĩa là tiền khai khẩu để mở lời với nhà gái. Lượng tiền lớn nhỏ tùy thuộc vào điều kiện của nhà trai, nhưng con số đầu tiên phải là số 3. Người Lào cho rằng số 3 là con số linh thiêng, may mắn. Nếu đồng ý tiếp chuyện, cha mẹ của cô gái sẽ nhón tay lấy hai miếng trầu để nhai rồi sau đó mới nói đến nội dung tiền dẫn cưới mà tiếng Lào gọi là "khà xịn xọt" hoặc "khà đong".

Cúng lễ chúc phúc tân lang, tân nương.

Dẫn cưới

Sau khi đã trải qua nghi thức dạm ngõ, tìm được ngày đẹp để làm đám cưới, hai bên bắt đầu bàn đến tiền dẫn cưới. Phía nhà gái sẽ đưa ra yêu cầu cho nhà trai phải chuẩn bị một lượng tiền nhất định và không thể thiếu được đó là đồ trang sức bằng bạc hoặc vàng. Riêng phía nhà gái sẽ chuẩn bị chăn nệm, vải vóc...

Sum họp

Trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, tại nhà gái phải có một bữa cơm sum họp thân tình để tỏ lòng cảm ơn đến bà con họ hàng, làng xóm đã đem đồ ăn, thức uống và công sức đến giúp đỡ chuẩn bị các công việc phục vụ đám cưới. Cả hai bên nhà trai và nhà gái chung tay góp công, góp của để cùng nhau thực hiện. Nghi thức này trong tiếng Lào gọi là "văn tạu hôm", tức là ngày sum họp. Trước khi bữa cơm sum họp diễn ra, gia chủ sẽ thỉnh sư thầy về tụng kinh Phật bằng tiếng Pali để chúc phúc cho tất cả quan viên hai họ cùng những người có mặt. Nếu không thỉnh được sư thầy, họ sẽ mời một thầy cúng có uy tín về làm lễ chúc phúc.

Rước đồ dẫn cưới

 Đến ngày cưới chính thức, nhà chú rể sẽ lập một đoàn rước đồ dẫn cưới sang nhà cô dâu. Dẫn đầu đoàn rước là một người cao tuổi có uy tín của gia tộc chú rể, kế đến là chú rể và đội bưng mâm lễ (pha khoẳn). Đội bưng mâm lễ này phải là những thiếu nữ còn thanh tân. Theo sau đội bưng mâm lễ là đội bưng khay rượu, khay trầu thuốc, hoa quả và thân bằng, quyến thuộc, họ hàng của chú rể. Trong hành trình rước đồ dẫn cưới đến nhà cô dâu, họ có thể kéo theo loa thùng bật nhạc hoặc cầm theo nhạc cụ truyền thống của người Lào như khèn, sáo, đàn hạc, trống, chiêng để tấu lên những bài ca xen lẫn với những tiếng hò reo vui nhộn báo hiệu cho mọi người biết rằng có lễ cưới đang diễn ra. Khi đoàn nghinh lễ vừa đến nhà cô dâu, trước khi bước lên cầu thang để vào nhà, người dẫn đầu và chú rể được người phía nhà gái múc nước rửa chân cho, dưới chân có phiến đá mài lót bằng lá chuối tươi xanh để tỏ lòng trân trọng.

Sau khi đã vào nhà rồi, phía nhà trai sẽ trao lễ vật dẫn cưới. Nhà gái sẽ cử người ra kiểm nhận đồng thời vãi những nắm hạt thóc, đậu, vừng lên đồ dẫn cưới, xem đó là những hạt giống linh thiêng, may mắn để cầu cho tiền tài và hạnh phúc sẽ sinh trưởng như những hạt giống kia. Xong xuôi, người nhà cô dâu sẽ dẫn chú rể đến một gian phòng để giới thiệu đây là nơi để chú rể sẽ ngủ lại cùng cô dâu. Đồng thời, một người phụ nữ phía nhà chú rể sẽ dẫn cô dâu đến phòng làm lễ buộc chỉ cổ tay mà tiếng Lào gọi là "xù khoẳn".

Buộc chỉ cổ tay

Đây là nghi thức bắt buộc phải có và được thực hiện bởi thầy cúng gọi là "mỏ phon" để chúc phúc cho cô dâu chú rể. Trong nghi thức này, cô dâu sẽ ngồi nép mình sát cạnh bên trái chú rể. Phía trước là mâm lễ gọi là "pha khoẳn". Sau khi đọc xong bài kinh cầu phúc, thầy cúng sẽ lấy trứng luộc trên mâm lễ ra bổ thành hai nửa để cô dâu và chú rể ăn với hàm ý từ đây cặp đôi chính là một nửa của đời nhau. Mọi người xung quanh sẽ lấy những sợi chỉ trên mâm lễ xuống để buộc vào cổ tay cho cô dâu và chú rể kèm theo những lời chúc phúc.

Buộc chỉ chúc phúc.

Bái lạy song thân

Ngoài việc đảnh lễ để tỏ lòng thành kính và xin được tha thứ những lỗi lầm, theo truyền thống của người Lào, cô dâu chú rể còn phải tặng quà cho người lớn tuổi trong gia đình hai bên. Vật phẩm cả cô dâu, chú rể buộc phải mang theo là một xà rông, một áo nam cho hai người cha và một chiếc váy cùng một áo nữ cho hai người mẹ của mỗi bên. Sau đó, các bậc trưởng bối hoặc cha mẹ hai bên sẽ có lời giáo huấn các con về những điều quan trọng trong cuộc sống gia đình.

Tân lang, tân nương bái lạy song thân.

Động phòng hoa chúc

 Nghi thức này cũng không khác nhiều so với lễ cưới của các dân tộc ở nhiều vùng miền khác. Tuy vậy, người Lào rất chú trọng đến việc đặt giường, trải chiếu.

undefinedTân lang, tân nương làm lễ động phòng.

Việc này phải được thực hiện bởi một người phụ nữ trong gia tộc chú rể có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc để tân lang, tân nương xin vía. Người cho vía hạnh phúc sẽ để gối của chú rể ở phía bên phải, cao hơn một chút so với gối của cô dâu ở phía bên trái. Sau cùng, người cho vía hạnh phúc sẽ dắt tay đôi uyên ương vào động phòng. Cô dâu chắp tay cúi lạy chú rể tỏ lòng từ đây sẽ trao thân gửi phận. Đáp lại, chú rể đỡ lấy tay của cô dâu, nguyện ý từ nay sẽ trở thành trụ cột để nâng niu, che chở. Nghi lễ kết thúc trong niềm hoan hỉ của tân lang, tân nương và quan viên hai họ.

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc