Multimedia Đọc Báo in

Giải mã bí ẩn ngôi chùa từ tấm bia đá cổ

06:25, 12/08/2023

Ngôi chùa An Long nép mình trong khu vườn sát bên đường 2 Tháng 9, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Ít ai biết rằng tại chùa An Long có một cổ vật cực kỳ quý giá, đó là tấm bia đá bằng sa thạch đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 2/12/1992.

Sự ra đời của chùa An Long gắn với câu chuyện dân gian rằng năm 1471, vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, neo đậu thuyền tại bờ sông Hàn. Ngay lúc đó, thuyền của vua Lê hết nước uống, quân lính liền đi tìm nguồn nước ngọt thì thấy một vũng nước trong vắt tại cồn đất bên tả ngạn dòng sông. Sau khi mở mang xong bờ cõi, vua cho dân làng xây dựng một ngôi chùa trên cồn đất có vũng nước ngọt ấy, lấy tên chùa Long Thủ. Theo tài liệu ghi chép của chùa An Long, sở dĩ chùa mang cái tên Long Thủ ngay từ đầu bởi nơi đây có sự hiển linh của đức Phật trước khi xây dựng chùa, lại có lúc hiện hữu đầu một con rồng hùng dũng, uy nghi giữa thanh thiên bạch nhật. Gốc tích huyền bí của ngôi chùa mang đậm sắc màu thần thoại dân gian như vậy vẫn được lưu truyền cùng năm tháng.

Cổng vào chùa An Long

Mãi đến năm 1903, khi tấm bia đá lạ trong lòng đất trước sân chùa được khai quật thì bí ẩn về ngôi chùa bắt đầu được giải mã. Tấm bia đá màu xám được đưa lên đã bị gãy làm đôi, cao 1,25 m, rộng 1,20 m, dày 0,21 m. Hình tấm bia được thu nhỏ dần từ dưới lên trên, tạo ra đỉnh tròn trông giống như một quả chuông úp. Chính giữa phía trên cùng tấm bia có hình mặt trời, mây vờn, phần dưới cùng là đài sen, hai con nghê chầu hai bên.

Văn tự được khắc trên tấm bia bằng chữ Hán khá mờ nhạt do bị bào mòn, gồm 368 chữ, trong đó có 6 chữ lớn khắc theo đường ngang, đóng khung là “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”. Dòng này có hai chữ "vạn" nhỏ ở hai đầu. Trong lòng mặt bia có 360 chữ được khắc lõm theo hàng dọc từ phải qua trái, mặt sau của tấm bia chạm khắc hoa văn, không có chữ. Khi nội dung các văn tự trên tấm bia này được học giả người Pháp là Henri Cosserat dịch ra chữ quốc ngữ thì mọi bí mật chôn giấu bao đời được bật mở.

Theo văn tự, tấm bia dựng ngày 1/4/1654, dưới triều Lê Thần Tông thứ 5. Văn bia do ông Lê Gia Phước, người làng Hải Châu biên soạn. Xứ đất có ngôi chùa Long Thủ là làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn, Quảng Nam. Vợ chồng Cai thuộc hội chủ Nguyễn Văn Châu, các vợ chồng Cai hợp ty tướng Trần Hữu Lễ, Trần Hữu Kỷ, xã trưởng Phạm Văn Ngao cùng dân làng Nại Hiên chung công, góp của dựng lên ngôi chùa Long Thủ trên khu đất do vợ chồng ông Trần Hữu Lễ dâng hiến. Văn bia còn ghi đây là khu đất linh thiêng, đức Phật, đầu rồng luôn hiện hữu, ứng cảm, cứu hộ cho những số phận bất hạnh ở chốn dương trần.

Chùa An Long ngày nay.

Theo lý lịch di tích của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, ngoài các nội dung được ghi rõ ràng trên văn bia từ năm 1654 còn cho biết vào thời kỳ chiến tranh giữa hai triều phong kiến nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn, chùa Long Thủ bị sập đổ hoàn toàn nên vào năm 1882, vua Minh Mạng cho xây dựng lại chùa.

Năm 1925, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương ra quyết định công nhận tấm bia đá này là vật cổ tích, năm 1935 vua Bảo Đại cho đổi tên từ chùa Long Thủ thành chùa An Long. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa xuống cấp, hư hỏng nặng nề; đến năm 1961, các tăng ni, phật tử, đạo hữu của phố Nại Hiên, phường Bình Hiên quyên góp xây dựng mới ngôi chùa An Long có dáng dấp như ngày nay.

Chùa An Long tọa lạc kề bên Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, một kho cổ vật về nền văn hóa đặc sắc Chămpa.  

Thái Mỹ


Ý kiến bạn đọc