Multimedia Đọc Báo in

Có một mùa thu Tây Nguyên trong thơ

09:19, 03/09/2023

Tây Nguyên thường được biết đến chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Còn mùa thu? Mùa thu Tây Nguyên kín đáo, mùa của tâm thức, mùa lắng nghe hơi mưa ẩm ướt phủ lên làn sương khói bảng lảng mờ nhòe, mùa cảm nhận bước chuyển xao xuyến của rừng núi, cỏ cây, mùa thường chỉ được phát hiện bởi những kẻ lãng đãng đi tìm chút mơ hồ của bước thời gian…

“Tây Nguyên anh ngỡ mùa thu dở/ nên buổi chiều bê cả gốc thông đi/ leo quấn căn nhà thành ảo ảnh/ chiếc nơ hồng treo giữa lặng thinh” (Chiếc nơ hồng treo giữa lặng thinh – Văn Công Hùng). Thu Tây Nguyên, chừng như mọi thứ chậm lại một chút, uể oải hơn một chút, lơ đãng một chút. “Những cơn mưa dường như đã bắt đầu chớm mệt/ góc phố vơi đi một chút ồn ào/ em như thể buổi trưa quá giấc/ mùa thu ngần ngừ nửa ở nửa đi” (Tháng chín Pleiku – Văn Công Hùng). Và khi ấy “Giấc ngủ cũng nông/ tiếng thở dài cũng chậm” (Bâng quơ tháng tám). Thi sĩ xứ Huế gần cả đời gắn bó với phố núi Pleiku ấy một hôm còn phát hiện ra rằng “Chưa ai kịp phân biệt mùi hoa sữa Pleiku với nơi khác thế nào/ nó đã tàn” (Hoa sữa nở).

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài (bìa trái) trình diễn trường ca “Vỡ ra mưa ấm” cùng các nghệ sĩ. Ảnh: Mai Sao

Thu Tây Nguyên trong thơ Lê Vĩnh Tài vỡ ra, bừng thức trôi chảy miên man “chớm thu vàng cúc dại ra hoa/ quê hương vỡ bao nhiêu mưa ấm/ mưa ấm choàng lên người tấm khăn màu huyết dụ/ và chỉ thêu màu hoa trắng/ ôi nắng lên những nhụy vàng” (Trường ca “Vỡ ra mưa ấm”). Chất sử thi trồi lặn nối dài thăm thẳm trong thơ của chàng thi sĩ đất Ban Mê được dắt dẫn bởi mùa thu tâm thức “ôi Tây Nguyên/ lá vẫn xanh trong câu thơ lá đỏ/ ngày nhiều nắng gió/ vàng rơi”… “rừng ơi/ rừng ơi/ những ô cửa nhà dài mở ra cõi màu xanh/ bên kia sông Sêrêpốk màu xanh/ hai bên con đường đất đỏ màu xanh/ bữa cơm chiều mẹ dịu dàng lên khói/ tiếng tù và mờ xanh/… ngày cha xin hạ cây về làm K’pan/ ngày cha đốt rẫy dắt lúa về nhà cho mẹ/ ngày bếp lửa nhà em ấm thế/ ngày ché rượu nhà em như thể/ chảy vào máu vào mắt em rạo rực/ tiếng T’langput luồn vào trong ngực/ em có còn nhớ đến anh không” (Vỡ ra mưa ấm).

“hôm nay màu xanh gọi thu về/ như anh gọi em/ không bao giờ anh giữ được em đâu/ anh chỉ còn bức tranh tĩnh vật/ vẽ hoa vàng/ Yên Cơ rơi đâu mất/ rồi em” (Hoa Yên Cơ – Lê Vĩnh Tài). Yên Cơ là loài hoa do thi sĩ tự đặt tên – một cái tên, một câu chuyện lộng lẫy và buốt nhói. Như trong một truyện ngắn cùng tên, chàng đã kể hoa Yên Cơ một đêm đã trút tất cả lá và hoa của mình để kết thành tấm chăn che giá lạnh cho người tình, cho đến khi bản thân mình trở nên trần truồng run lên vì lạnh. Hoa Yên Cơ lướt nhanh qua mùa thu, “chỉ chờ mùa đông đến để rụng lá ủ ấm cho người tình. Ngay cả khi mùa xuân lãng quên nó, không bao giờ quay lại nữa, cái cây vẫn cứ đứng chờ, và bông hoa câm lặng”. Yên Cơ loài hoa trác tuyệt và mong manh như tơ mảnh giăng mắc lấy tâm hồn chàng thi sĩ.

Không gọi hẳn ra tên mùa, nhưng thơ Đinh Thị Như Thúy luôn chất ngất cảm giác thu - mưa. Là giây phút đột ngột chuyển mùa “Buổi sớm mai. Đang mùa hanh hao. Mùa khô. Mùa tưới. Bỗng tiết trời đột ngột chuyển. Và sương muối đã đêm qua. Và mưa lạnh sáng nay. Mưa mịn rây. Mưa không đủ ướt đất. Không đủ rửa trôi. Chỉ đủ làm ướt những bông cà phê đang nở rộ. Chỉ chừng đó thôi. Đủ rúng động” (Buổi sáng. Mở cửa nhìn ra bầu trời...). Để mọi thứ cứ mơ hồ dần “Mặt sân gạch phủ rêu xanh. Chiếc ghế gỗ mọc đầy nấm tai mèo. Mơ hồ và lãng mạn. Một ngày chưa xưa lắm. Nhưng chẳng thể gọi nhau về” (Rồi lạnh dần nỗi nhớ).

Và đây là dã quỳ, nở cuối mùa thu, rừng rực đê mê “hướng về ánh sáng hướng về bầu trời mà ngờm ngợp mà mải miết mà vươn cao mà xòe tay mà ươm nụ mà hồn nhiên mà chờ đợi… Dã quỳ dã quỳ dã quỳ cứ vàng mơ vàng tươi vàng xuộm vàng cháy cứ rừng rực mê đắm miên man trên nền xanh của lá nền đỏ của đất bazan…’’ (Viết cho dã quỳ - Đinh Thị Như Thúy).

Mùa thu Tây Nguyên – mùa sinh nở của những tâm hồn thi sĩ.

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc