Multimedia Đọc Báo in

Những đóa sen trong hồ Vĩnh Trinh

09:12, 03/09/2023

Sau năm 1954, chống phá quyết liệt Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành xây dựng bộ máy tay sai đàn áp từ chóp bu tới ấp, xã từ vĩ tuyến 17 trở vào với mục đích tạo ra sức mạnh bạo lực đè bẹp ý chí cách mạng của nhân dân miền Nam.

Đầu năm 1955, chúng thực hiện chủ trương “tố cộng, diệt cộng”, truy lùng, bắt bớ những người yêu nước, cơ sở cách mạng và tra tấn hết sức dã man. Chúng đưa ra khẩu hiệu “thà giết nhầm hơn bỏ sót”, gây ra hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu khắp các địa phương với hành động cực kỳ tàn bạo, trong đó phải kể đến vụ thủ tiêu 37 cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng tại đập Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Tượng đài Vĩnh Trinh cùng những đóa sen.

Đây là những người yêu nước bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam tại nhà lao Hội An, bị tra tấn mọi hình thức như thời trung cổ, song chúng không thể khai thác được gì. Để che giấu tội ác tày trời, chúng tìm cách thủ tiêu những người bị bắt với mưu mô đầy gian trá, xảo quyệt bằng cách đưa người tù từ nhà lao Hội An về nhà giam chùa Bà Giám, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên. Chúng thông báo công khai rằng những người bị bắt sẽ được thả về vui xuân với gia đình khi Tết Ất Mùi đang cận kề. Khoảng 20 giờ tối 29 tháng Chạp, tức ngày 21/1/1955, cánh cửa nhà giam chùa Bà Giám mở toang, chúng đọc tên từng người bước ra rồi ký vào biên bản đã lập sẵn với lý do cho tù nhân được về ăn Tết với gia đình. Lần lượt từng người chậm chạp bước ra khỏi cánh cổng nhà giam thì ngay lập tức bị chúng bắt giữ trở lại, nhét giẻ vào miệng, trói hai tay sau lưng. Chúng buộc từng tốp từ 5 - 7 người thành một xâu rồi dẫn giải về phía đập Vĩnh Trinh cách đó chừng 5 km. Đây là một hồ nước nhân tạo do người Pháp xây dựng dựa vào thế núi khá lớn, bao bọc tới 3 xã Duy Hòa, Duy Châu và Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Chúng chọn đập Vĩnh Trinh làm nơi bí mật thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng bởi vì con đường mòn từ làng vào đập là rừng cây rậm rạp, ban đêm lại càng hoang vắng, không một bóng người qua lại nên rất khó bị lộ.

Ngay trưa hôm đó, một tốp lính ngụy được phân công, ngoài súng đạn đầy đủ, còn mang theo nhiều dụng cụ như dao, búa, rìu, dây thừng, dây kẽm gai, bao tời… cùng một chiếc thuyền nan, tập trung tại khu đất bằng phẳng ở bờ phía đông, cách mặt đập chừng 20 m. Chúng gom nhặt các tảng đá nằm rải rác ở xung quanh đồi núi mang tới địa điểm tập trung chờ đợi. Khi từng tốp người tù được dẫn giải tới bãi đất trống này thì chúng liền xô từng xâu người ngã sóng soài trên mặt đất rồi dùng búa, rìu đập đầu từng người đến tắt thở. Trong lúc giãy giụa, chống cự, ông Lê Bài, cán bộ xã Duy Phước trốn thoát được vào rừng, trở thành người duy nhất còn sót lại trong vụ thảm sát đê hèn này. Bọn địch cắt tai, mũi, móc mắt và đổ dầu lửa đốt cháy da mặt những người bị sát hại với mục đích nếu có người thân phát hiện được tử thi thì cũng không thể nào nhận dạng được. Chúng buộc những hòn đá vào các xác chết rồi bỏ lên thuyền chèo ra ném giữa đập nước mênh mông. Hành động xong, chúng nhanh chóng tẩy rửa các vũng máu loang lổ, xóa tất cả các dấu vết trên khu đất rồi kéo về nhà một tên chỉ điểm ở thôn An Lâm, xã Duy Châu ăn uống no say. 

Hồ Vĩnh Trinh ngày nay.

Cuối ngày tất niên 30 Tết Ất Mùi vẫn chưa thấy những người bị bắt về, người thân của họ kéo lên quận lỵ Duy Xuyên và nhà giam Bà Giám hỏi thì chúng bảo đã thả về hết, không giam giữ ai cả. Chúng còn đưa các biên bản có chữ ký của những người bị bắt ra để lừa phỉnh người thân của họ. Mồng 4 Tết Ất Mùi, người dân đi thả lưới tại đập Vĩnh Trinh phát hiện một số xác chết lập lờ trên mặt nước. Hung tin được truyền nhanh, các gia đình có người bị địch bắt giữ liền tập trung vớt xác những người xấu số. Tuy những người bị giết đã bị làm biến dạng khuôn mặt nhưng hầu hết người thân của họ đều nhận ra từ quần áo, dấu vết riêng biệt nên mang về chôn cất, chỉ còn 5 người không rõ tung tích, được dân làng mai táng dưới quả đồi sát chân đập. 

Huyện ủy Duy Xuyên đã chỉ đạo cơ sở tìm mọi cách vượt các hàng rào kiểm soát của địch mang đơn đi tố cáo tội ác dã man tại đập Vĩnh Trinh của chính quyền Ngô Đình Diệm lên Tổ công tác của Ủy ban quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Genève đang đóng tại Đà Nẵng. Nhằm đối phó với Ủy ban quốc tế, bọn địch tìm đến gia đình có người bị chúng sát hại đe dọa cấm khai báo, khai quật 5 ngôi mộ chôn tại bờ đập phi tang và dùng nhiều thủ đoạn khác để ngăn chặn việc người thân của các nạn nhân tiếp xúc với đoàn giám sát tố cáo tội ác của chúng.

Bây giờ trên quả đồi cao chừng 70 m ở gần khu đất năm xưa những chiến sĩ cách mạng bị địch sát hại dã man đã xây dựng một khu tưởng niệm các liệt sĩ với bức tượng sừng sững người tay bị trói, đầu ngẩng cao đứng bên hồ nước với 37 đóa sen nở và 1 búp sen chưa bung nở, hình tượng của 37 chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Búp sen chưa nở tượng trưng cho một sinh linh chưa chào đời vì có một nữ chiến sĩ đang mang thai sắp đến ngày sinh nở. Năm 2011, Khu tưởng niệm vụ thảm sát Vĩnh Trinh được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Thái Mỹ


Ý kiến bạn đọc