Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên ta có già làng

08:51, 26/09/2023

1. Đã từ xưa, trên rẻo đất cao nguyên phía Tây của Tổ quốc, những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất trong rừng của bà con các dân tộc đều được hình thành theo các kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên cùng những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa, sương gió của các bậc trưởng lão, mà ngày nay ta gọi là các già làng.

Rừng sâu đầy bí hiểm, nhưng rừng sâu cũng là điểm tựa, là chốn nương thân, bởi cuộc đời ta gắn bó với rừng, với sông núi. “Ơ thần Núi, thần Sông, thần Mưa, thần Gió, thần Lửa! Thần của các Thần!...” - đó là câu mở đầu cho mọi bài cúng, là tiếng kêu gọi thiết tha của các nhân vật trong những bản trường ca hùng tráng dài bất tận mà bây giờ người ta gọi là sử thi. Sử thi được miệng người già hát kể, rồi sau đó lan truyền sang con cháu, các thành viên của cộng đồng, từ đời này qua đời khác, như là sự nhắc nhở rằng, cái núi, cái sông, cái lửa, cái gió, cái mưa nắng của thần linh (Yàng). Yàng ở nơi đây, mỗi vật dụng đều có Yàng của mình. Mỗi loài cây, loài con cũng có Yàng trong đó. Đối với con người ta, Yàng vừa là Yàng, lại cũng là bạn, là một thành viên trong sinh hoạt cộng đồng, có ưu, có khuyết, có đúng có sai.

Ưu thì ta học, ta theo. Không hay thì ta làm lễ “phê bình”, nếu quá nữa ta làm lễ chia tay luôn! Tất thảy, nhất nhất đều được “hội đồng già làng” xét xử và vị già làng có tín nhiệm nhất thời điểm ấy ra… quyết định. Các già làng không phải là thần linh, nhưng các già làng luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Buôn làng nào có nhiều người già, buôn làng đó ắt sẽ được giàu sang hơn, hùng mạnh hơn. Một buôn làng có thể thiếu một vài chức danh với một vài vai trò khác, nhưng chức danh già làng không thể thiếu một ngày, mặc dù chức danh ấy hình thành tự nhiên, không qua bất kỳ thủ tục bầu bán hành chính nào. Cũng giống như mỗi dàn ching chiêng đều phải có chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng - cái “đi” giai điệu, cái “cầm” nhịp cho cả dàn. Những dàn cồng chiêng lớn thì trống cái vừa giữ nhịp, vừa tôn giai điệu, giữ cho sắc thái của giai điệu luôn giàu sinh lực và đẹp về sắc điệu, cho nên người ta thường ví già làng như là trống, già làng cầm chịch mọi sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của bà con buôn làng.

Các già làng luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Ảnh: Đ. Đối

Già làng có cái tai nghe được cả dàn ching chiêng, già biết nghe và nhận ra ngay cái nào “đi” đúng, cái nào để lỡ nhịp tách đàn. Và bằng khả năng trực giác nhạy cảm của mình, già so chiêng, giống như lên dây đàn vậy. Công việc so chiêng không hề đơn giản, nó linh thiêng, cầu kỳ và huyền bí. Khi cánh tay già giơ lên, hạ xuống, theo cánh tay ấy là tiếng gõ của người điều chỉnh, không phải riêng cho một cái nào, mà già điều chỉnh lại cả dàn luôn. Điều chỉnh lại cả tiết tấu, nhịp điệu lẫn truyền cảm hứng rung động của mình sang cho người đánh, người đánh phải biết thổi hồn mình vào trong từng lá chiêng mà bản thân như đang được tiếp lửa.

Khi con cháu dựng ngôi nhà rông cho buôn làng mình, vai trò của hội đồng già làng đặc biệt quan trọng. Sự điều hành của các già làng bên ghè rượu cần cũng giống như “Bộ chỉ huy chiến dịch ở tiền phương”. Họ vẽ bản đồ rất chặt chẽ, rất chi tiết, tỉ mẩn, nhưng lại khác các vị chỉ huy ở chiến trường - các già làng rất thoải mái và phóng túng, không gượng ép, gò bó bất kỳ ai, bất kỳ cung đoạn nào của công việc. Tất cả vì vẻ đẹp truyền thống của buôn làng ta. Làng không thể thiếu được ngôi nhà rông, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Cũng như trong các ngày lễ hội, nếu không có già làng thì liệu có thành được lễ hội không?

 

2. Tối tối, trong những ngôi nhà sàn bình yên bên bếp lửa hồng, những người già là thành viên trong nhóm cộng đồng già làng thường tới nhà một trong số ấy trò chuyện. Hôm nay ở nhà cụ này, ngày mai và ngày kia ở nhà cụ khác. Vị già làng hôm ấy là trung tâm đoàn kết, là nơi thu gom kho báu kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm ứng xử. Ứng xử với thiên nhiên khi sấm sét, lũ lụt, khi mưa to, bão lớn, khi núi lở, sông cạn, khi có thú dữ loạn rừng, khi hạn hán kéo dài… Và, các già làng chính là kho tư liệu luật tục ngàn đời truyền lại. Là cuốn từ điển bách khoa sống động, giúp cho con cháu biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.

Những cô gái M’nông, Bana, J’rai, Êđê thường tỏ điều tâm sự của mình cùng cây đàn tre nứa gọi là đing pơng, được các già làng làm cho. Già bảo, khi nào trong bụng mày có điều gì buồn, nếu không nói được với ai thì đêm đêm đem đàn ra chơi. Tự thổi tự nghe, nghe cho mình… đó là loại nhạc cụ chỉ dành riêng cho phụ nữ. Nỗi buồn của riêng ta, ta để trong lòng, nhưng nếu ta không trút được vào trong hơi thở, vào trong tiếng nói, âm thanh thì thầm của tiếng đàn thì ta sẽ dễ dàng ngã gục. Tiếng thì thầm của đing pơng sẽ là nơi nương tựa giúp ta dịu lòng, thoát khỏi cái cô đơn, giúp cái hồn ta trở nên yên lành, không còn yếu đuối ngập chìm trong cõi u mê. Âm thanh ấy là người bạn tâm tình của ta. Ta nhập hồn ta vào trong ống nứa...

 

3. Bà cụ trăm tuổi của làng ta là niềm tự hào chung của cả cộng đồng. Cụ bà tồn tại như là sự hiện diện của lòng kiêu hãnh của buôn làng trước vị thần Thời Gian linh thiêng và huyền bí. Trong các bản trường ca cổ của dân tộc M’nông, Bana, J’rai, Êđê, Xê đăng, Giẻ T’riêng... thường xuất hiện các tù trưởng là nữ. Nhưng già làng thì vẫn là các vị đàn ông cao niên tài giỏi, thời trai trẻ đã từng là những tay phóng lao lừng danh, tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Già làng từ thời cổ xưa đã có nhiều quyền uy, cái quyền uy không mang chút xíu dấu ấn nào của bạo lực, của cường quyền mà là cái quyền uy linh thiêng được xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng vì đức trọng, tài cao, uy danh lừng lẫy. Những điệu múa mà người M’nông, Bana, J’rai, Êđê, Xê đăng… đều gọi là “xoang”. Những bước xoang bước theo nhịp của cồng chiêng. Âm nhạc cồng chiêng là tiếng lòng của người Tây Nguyên, là niềm vui và cả nỗi buồn. Cồng chiêng, tự nó không tạo nên vẻ đẹp linh thiêng, huyền diệu của con người nếu không có làng, rừng.

Làng và rừng là không gian văn hóa của cồng chiêng. Các nhà quản lý xã hội, quản lý văn hóa mà không hiểu điều cốt lõi ấy thì cái gọi là quy hoạch mới đều bằng không, giống như người ta lôi cồng chiêng lên sân khấu, ra đường phố biểu diễn! Làm như vậy chỉ thỏa mãn cái ngọn quảng cáo cho các dự án kinh tế chứ không phải là cái gốc - ấy là núi, là rừng tự nhiên. Mất núi, mất rừng là mất không gian văn hóa cồng chiêng, tức là không còn gì!

Mỗi bến nước miền rừng núi đều mang theo tên đất, tên làng buôn. Bến nước, dòng sông, dòng suối gắn liền với cả đời người, dù nơi đó ở tít trong rừng sâu, núi thẳm. Giọt nước này là do già làng ta chọn, dân làng ta chọn. Chọn bến nước, giọt nước… ấy là chọn nơi cư trú cho mình, chọn sự giàu nghèo trong tương lai cho cộng đồng mình. Trong bản đồ du lịch mà không có các khu rừng nguyên sinh cho các du khách tham quan cùng với các ngôi làng rừng của bà con sinh sống tự nhiên với thiên nhiên thì cũng giống như điệu cồng chiêng lên sân khấu bùng binh cho vui tai vậy!                            

Trung Trung Đỉnh


Ý kiến bạn đọc