Multimedia Đọc Báo in

Người xưa nét cũ

08:18, 27/10/2023

Tôi nghĩ bất kỳ ai đã từng sinh sống ở vùng đất Buôn Ma Thuột, ít nhiều đều tham dự vào “một phần lịch sử” của đô thị này. Bản thân tôi cũng thế, ngót một phần ba thế kỷ đi qua, mảnh đất này trở nên thân thiết và gắn bó biết nhường nào. Năm tháng rong ruổi trên vùng đất ấy, tôi nhận ra những người xưa, nét cũ vẫn còn lưu dấu lại ở đô thị miền núi trẻ trung này.

Ngày lại ngày, tôi đi về không biết bao nhiêu lần trên đường phố Lê Duẩn, nơi có tòa Biệt điện Bảo Đại tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 6 ha giữa lòng thành phố. Địa chỉ này là một trong những dấu tích lưu lại ký ức khó phai của đô thị Buôn Ma Thuột.

Tôi đọc tài liệu của Bảo tàng Đắk Lắk thì được biết trước năm 1905, nơi đây là nhà hàng có tên Maison Lefévre, đến thời Công sứ Sabatier lên nhậm trị vùng đất này (từ năm 1913 – 1926) đã cho xây dựng tại đây Tòa Đại lý quận trưởng để ở và làm việc.

Trong thời gian này, vị Công sứ “mê đắm văn hóa” các tộc người Tây Nguyên ấy đã cùng với một vài trí thức Êđê như Y Jút, Y Út sưu tầm, chỉnh lý và latinh hóa pho sử thi Đam San để xuất bản lần đầu tiên tại Paris vào năm 1921. Pho sử thi này đã lập tức khiến cả thế giới kinh ngạc vì trí tưởng tượng phi phàm và vô cùng tráng lệ của tộc người ít ai biết đến ở xứ Đông Dương xa xôi ấy. Bên bếp lửa bập bùng cùng men rượu cần ngây ngất từ đêm này sang đêm khác, Công sứ Sabatier cùng những cộng sự của mình đã đưa hình ảnh, con người Tây Nguyên ra với thế giới như một sự khai thông văn hóa Đông - Tây để cả hai nền văn minh hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng nhau hơn.

Đến năm 1926, Công sứ Giran thay thế Công sứ Sabatier, ông đã cho cải tạo, xây dựng lại tòa nhà như hiện nay và gọi là Tòa công sứ. Tháng 11/1947, sau khi Chính phủ Pháp bảo lãnh và đưa cựu hoàng Bảo Đại về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng thì Tòa công sứ trở thành nơi tiếp khách, nghỉ ngơi của Bảo Đại mỗi khi lên Đắk Lắk tuần du và săn bắn, vì thế mới có tên gọi là Biệt điện Bảo Đại. Tòa nhà đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, giàu bản sắc dựa trên vốn văn hóa kiến trúc nhà dài của người bản xứ, mà đó còn là chứng tích lịch sử đầy biến động trải qua gần 100 năm trên vùng đất Đắk Lắk nói riêng và cả Cao nguyên Trung phần nói chung.

Biệt điện Bảo Đại - nơi lưu giữ những ký ức khó phai. Ảnh: Hữu Hùng

Buôn Ma Thuột cũng là vùng đất đai màu mỡ được giới tư sản người Pháp và người Việt từ các nơi đến khai phá, lập đồn điền trồng cà phê sớm nhất ở Tây Nguyên. Bắt đầu từ những năm 1927 - thời điểm mà Công sứ Sabatier bị triệu hồi về nước cho đến những thập niên sau đó, vùng đất này đã trở thành “thủ phủ” cà phê Việt Nam. Dọc tuyến Quốc lộ 14 và Quốc lộ 26 nối Buôn Ma Thuột với các tỉnh thành duyên hải miền Trung, đồn điền cà phê của nhiều ông chủ người Pháp mọc lên bạt ngàn. Ví như Công ty Cà phê Thắng Lợi ngày nay vốn là đồn điền của ông Tây Roger; hay từ khu Thăng Long bây giờ kéo xuống tận buôn Tuôr - Hòa Thắng là nông trại cà phê, chăn nuôi do ông Jean Maury sở hữu. 

Buôn Ma Thuột, người xưa nét cũ vẫn còn vương vấn đâu đó ở đô thị trẻ trung và hiện đại ngày nay. Ngồi uống cà phê với bạn bè bên những góc phố  xưa cũ, nhất là khu vực lượn từ đường Lê Hồng Phong xuống Hồ Tùng Mậu, vòng qua Biệt điện Bảo Đại đến Trung tâm Ngã Sáu bây giờ, tôi được nghe nhiều người hồi ức rằng, thành phố của mình đang sống đã “thay da đổi thịt” mau chóng vô cùng. Những thập niên 60 của thế kỷ trước, khu vực suối Đốc Học - con suối mang tên ông quan Đốc người Việt lai Pháp về hưu mở trường dạy học ở đầu dốc (tòa nhà Trung Nguyên trên đường Lê Hồng Phong bây giờ) là bến xe ngựa chuyên thồ những chuyến hàng từ buôn ra phố và ngược lại. Bây giờ bến xe ngựa không còn nữa nhưng tiếng lóc cóc của vó ngựa, của lục lạc từ những chuyến thổ mộ vang lên mỗi sáng sớm, hay chiều về vẫn còn neo trong ký ức của nhiều thế hệ. Nhất là cộng đồng người Hoa sống quanh đền Ông Cảo, cạnh con suối Maury (hay còn gọi là suối Tàu, nằm cuối dốc đường Nguyễn Du hiện tại) từ những năm 50 của thế kỷ trước – họ nấu rượu và trồng bắp cải để cung cấp cho thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ bằng những chuyến thổ mộ thì có lẽ không thể nào quên.

Mảnh đất này đã bao lần “thay tên, đổi chủ” - và người xưa, nét cũ vẫn khiến bao người nhớ về cái tên Buôn Ma Thuột với suy tư, cảm thấu chưa bao giờ dứt, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.