Tục cà răng của các tộc người Tây Nguyên qua ảnh tư liệu
Trước đây, các dân tộc thuộc dòng ngôn ngữ Môn - Khơme như Cơ Tu, Tà Ôi, M'nông, S'tiêng, Mạ, K’ho, Bahnar, B'râu, Rmăm... cư trú vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có tục lệ cà, cưa răng, căng tai...
Việc cà răng, ngoài ra chức năng làm đẹp theo quan niệm của đồng bào, còn là nghi lễ đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành. Tập tục này hiện đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại dấu tích ở một số người già. Năm 1948, nhà nhiếp ảnh Claude Chippaux trong một chuyến du khảo buôn làng người K’ho đã được chứng kiến một nghi lễ cà răng và đưa vào ống kính những bức ảnh tư liệu quý giá về tục lệ này.
Claude Chippaux đã quan sát và mô tả nghi lễ cà răng bằng những bức ảnh khá sinh động, chân thực. Quang cảnh là một ngôi làng dân tộc với những nếp nhà trệt truyền thống của các cư dân vùng nam Tây Nguyên. Hai nhân vật trung tâm nổi bật của bức ảnh là người thực hành nghi lễ và người thụ lễ. Cả hai đều đóng khố và để trần nửa thân trên cơ thể. Người thực hành nghi lễ có thể là người cha hoặc già làng có kinh nghiệm về cà răng, có thể gọi là “thợ cà răng”. Ông ta để tóc búi tó về sau, có lỗ tai rộng, chứng tỏ ngày xưa đã từng cà răng, căng tai khi đến tuổi như mọi thành viên khác trong buôn làng. Người được cà răng ngồi trên một khúc gỗ, mặt hơi ngước lên trên, há mồm và nhe hàm răng ra ngoài. Nhìn bức ảnh chụp cận cảnh, có thể thấy rõ người cà răng lấy dụng cụ là cưa, đá mài, dao nhỏ để cưa và cắt răng cùng với dụng cụ giống như một chiếc banh của bác sĩ tai mũi họng!
Người thợ với những dụng cụ để cắt, cưa và cà răng. Ảnh: Claude Chippaux |
Trong bộ ảnh có một bức ảnh khá độc lạ là người được cà răng phải nằm xuống đất, thợ cà răng ngồi trên đầu chăm chú cúi xuống để làm việc. Tư thế nằm như vậy, chắc có lẽ dễ thao tác lại bớt mất sức, đau đớn khi bị tác động của các dụng cụ, làm tổn thương ở răng miệng của thanh niên. Một bức ảnh khác chụp chân dung người đàn ông đang nhe hàm răng, hàm trên sát nướu, hàm dưới có 4 chiếc răng cửa sắc nhọn, như muốn khoe bộ răng vừa mới được cà hoàn chỉnh.
Như mô tả trong ảnh, khi thực hành cà răng, người ta phải cà, cắt hàm răng trên sao cho chỉ còn chân răng sát với nướu, còn hàm phía dưới phải vót thật nhọn. Họ không phải cà, cắt luôn cả hàm răng mà chỉ vót nhọn bốn cặp răng cửa, còn răng nanh và răng cấm thì để nguyên. Việc cà cắt răng bằng cách dùng đá mài cà xát từ từ cho răng ngắn dần hoặc dùng dao sắc xén từng miếng mỏng, răng hàm trên cà làm sao cho còn chân răng và lấy que khoét cho hết tủy răng cho chân răng có lỗ, và sau đó dùng dao vót nhọn những chiếc răng dưới. Khi cà cắt răng, chân răng bị động nên chảy máu nhiều hai hàm răng bị sưng cả tuần lễ, người được cà răng trong thời gian đó không ăn được gì mà chỉ húp cháo. Với một số tộc người, cà cắt răng phải làm đúng vào tuổi đã trưởng thành, phải mọc đủ 32 cái răng. Nhưng trễ nhất là ở tuổi hai mươi trước khi cưới vợ gả chồng. Cũng có người chưa cà răng, căng tai nhưng đã lấy vợ, có chồng rồi thì họ tự bỏ qua tục lệ này luôn, không cần phải bắt cà răng, căng tai nữa, dù ai chê cười cũng mặc.
Răng vừa cà xong vẫn còn bị thương nên bà con phải dùng nước muối súc miệng cho sạch và phết thêm nhựa cây vào chân răng. Chất cay xé của nhựa cây và tro củi làm cho chân răng đau nhức và xót vô cùng, nhưng chỉ trong một chốc lát rồi khỏi. Chất nhựa đã dính chặt vào răng, răng biến thành một màu đen rất đặc trưng. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nam nữ thanh niên phải tập phết nhựa cây thường xuyên vào răng, răng không bao giờ bị sâu ăn, làm cho chân răng thêm rắn chắc. Một tháng chỉ phết nhựa cây một lần nhưng bộ răng vẫn giữ được một màu đen.
Người đàn ông dân tộc K'ho với hàm răng vừa cà. Ảnh: Claude Chippaux |
Có người cho rằng khi cà cắt răng xong rồi ăn cơm cảm thấy ngon hơn. Người M'nông có những câu nói vần ngộ nghĩnh, hồn nhiên về tập tục này: "Tai không xỏ không sà xuống được/ Răng không cà ló ra cửa mồm” hoặc: "Con lươn, con ba ba còn biết cà răng/Sao mình cà răng bị người ta chê cười". Người nào thực hiện sớm những tập tục trên thì được đứng vào hàng ngũ danh dự của buôn làng và được tín nhiệm giao phó công việc quan trọng, phức tạp. Việc cà răng của người đến tuổi trưởng thành, dù nam hay nữ là việc phải làm, bởi đó là tiêu chuẩn của cái đẹp, thậm chí là một điểm mạnh, điều hay, khẳng định năng lực, phẩm chất, "tư thế" của một cá nhân: “Bu jă mnuih kô tuih mâu geh/Bu jă peh mpăl mâu tơm/Bu jă gơm sêk nơm mâu ot (Ai rủ đi phát rẫy nói mình thiếu xà gạc/Ai rủ giã lúa bảo mình thiếu cối/Ai rủ cười nói răng mình không cà). Chính vì thế, những năm tháng xa xưa, con gái Mạ, M'nông, S'tiêng, K’ho... mà không cà răng thì khó lấy chồng. Đó cũng là “động lực tinh thần” thúc đẩy thanh nữ can đảm hơn khi thụ lễ cà răng.
Bộ ảnh của Claude Chippaux về nghi lễ, thực hành cà răng của dân tộc K’ho thực sự là những tư liệu dân tộc học quý giá. Nó là bằng chứng sinh động miêu tả, khắc họa về tục lệ cổ truyền của các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên còn bảo lưu vào những năm giữa và cuối thế kỷ 20.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc