Multimedia Đọc Báo in

Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

08:50, 19/11/2023

Mang vẻ đẹp đặc trưng của sông nước miền Tây, chợ nổi Cái Răng (ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi về thăm thành phố sầm uất và phát triển bậc nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chợ nổi Cái Răng họp từ khi bình minh chưa ló rạng và sầm uất nhất là khoảng 5 - 7 giờ sáng. Lênh đênh trên con nước lấp lánh của ánh đèn, lời bài hát “Chợ nổi miền Tây” (nhạc sĩ Ngô Kỳ Vỹ) như càng thúc giục lòng khách phương xa: Đi dọc bờ sông dưới bóng hàng dương gió lay bờ liễu/ Con sóng tung tăng hân hoan đón chào người tới nơi này/ Ghe xuồng chật sông, trái chín đầy khoang, tiếng rao giòn giã/ Chôm chôm, mãng cầu, sầu riêng, bưởi, xoài ai nấy tươi cười…

Cái Răng gây tò mò và thích thú cho người nghe ngay từ tên gọi. Có nhiều lý giải cho cái tên độc đáo ấy, trong đó có giai thoại rằng, thời khai khẩn đất hoang, có con cá sấu rất lớn đã dạt vào nơi này. Răng cá sấu cắm sâu vào miếng đất mom sông, nên khi chợ nổi hình thành, tên Cái Răng được dùng để đặt cho chợ.

Từ sáng sớm, ghe, thuyền đã tấp nập trên chợ nổi Cái Răng.

Như bao chợ nổi trên vùng sông nước miền Tây, chợ nổi Cái Răng hình thành và ra đời từ chính nhu cầu thiết yếu của con người, khi cuộc sống của họ gắn liền với địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt. Đặc biệt, vào thời điểm giao thông đường thủy gần như giữ vị trí độc tôn, thì chợ nổi Cái Răng đã từng là chợ đầu mối, chợ sỉ chuyên trao đổi các loại rau củ quả trong vùng, vô cùng sầm uất…

Xuôi theo con nước khoảng 30 phút, trước mắt chúng tôi dần hiện hữu khu chợ đa sắc màu Cái Răng. Càng vào sâu phiên chợ, số lượng ghe thuyền càng nhiều, tấp nập cả đoạn sông dài. Tiếng mái chèo khua, nói cười, rao bán, mời gọi… cùng hòa quyện trong thanh âm mênh mang của sông nước. Len lách vào các thuyền lớn là những con ghe nhỏ hoạt động hết công suất, chở ăm ắp hàng, đặc biệt là trái cây miệt vườn. Người bán vui vẻ gọi mời sản vật địa phương, còn khách cũng thỏa thích lựa chọn những hàng quà ưng ý.

Không chỉ là trái cây đặc sản, chợ nổi còn có cả những hàng quán với đủ các loại mặt hàng. Khách có thể vừa trải nghiệm, vừa thưởng thức tại chỗ món bánh hủ tiếu ngọt, pizza hủ tiếu chiên giòn; ghé lò kẹo dừa xem quy trình sản xuất; hay lựa chọn các loại nui, bún, cá khô đặc sản, đồ lưu niệm; cũng như thưởng thức tô hủ tiếu nóng hổi trên con nước bồng bềnh… Chợ cũng có cả những đồ gia dụng, xăng dầu và những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống trên sông.

Du khách tham quan, mua bán hàng hóa trên chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng không chỉ gây hứng thú bởi những hàng quán “di động”, mà còn lạ bởi những cây bẹo được chống trước mũi ghe, thuyền. Đó là những cây sào, phía trên treo lủng lẳng các sản phẩm mà chủ ghe thuyền muốn bán. Từ xa, khách chỉ thể nhìn cây bẹo để biết vị trí, lựa chọn những thứ mình cần. Cũng có những cây bẹo chỉ treo vẻn vẹn tấm lá dừa, ấy không phải là bán dừa hay các sản phẩm từ dừa, mà muốn bán chính chiếc ghe thuyền của họ. Cũng có thứ treo lên cây bẹo nhưng không bán, đó chính là áo quần của các gia đình sinh sống trên ghe, thuyền…

Vui và thú vị đó là những cảm nhận của chúng tôi khi lần đầu ghé thăm chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên, cũng có một vài tiếc nuối: Chợ nổi đứng trước nhiều thử thách bởi đang mất dần đi sự sầm uất một thời, sự suy giảm của phương tiện mua bán ở chợ hiện nay, đâu đó vẫn còn chuyện nâng giá khi bán hàng cho  khách… Song cũng phải nhìn nhận rằng, chính quyền địa phương nơi đây đã và đang rất nỗ lực phát triển chợ nổi Cái Răng theo hướng mới - du lịch, để nơi đây trở thành điểm tham quan nổi bật, độc đáo.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.