Multimedia Đọc Báo in

Đông về trên cánh họa mi

08:39, 26/11/2023

Buổi sáng tháng 11 trời chuyển se lạnh, Facebook tràn ngập hình ảnh của những bông họa mi trắng muốt như báo hiệu đông đang về.

Họa mi là giống hoa họ cúc, có mùi hắc ngai ngái. Ở các nước châu Âu, cúc họa mi thường được gọi bằng những cái tên rất đẹp. Ở nước Anh, có tên là "Baby’s pet" (hoa của trẻ em); ở Pháp, người ta gọi là "Marguerite", tiếng Hy Lạp có nghĩa là hạt ngọc trai.

Ở Việt Nam, khi nhắc đến loài hoa này đã thành “thương hiệu” riêng cho Hà Nội mỗi khi thu tàn đông tới. Hỏi những người trồng hoa lâu năm ở đây có biết xuất xứ của loài hoa xinh đẹp dịu dàng này không? Bạn sẽ biết được rằng, ngày xưa khi dạo bước trên cầu Long Biên cổ kính, trong cái lạnh đầu đông, phóng tầm mắt ra những triền đê sông Hồng bát ngát, có thể thấy sắc trắng mênh mang, mỗi khi gió từ sông Hồng thổi vào, những vạt hoa lại rung rinh nghiêng mình mềm mại. Ngày ấy, không ai gọi loài hoa cánh trắng, nhụy vàng ấy là cúc họa mi, người ta gọi nó bằng cái tên giản dị như xuất thân của nó: hoa dại!

Bông hoa dại ấy, có những cánh hoa mỏng tang, trắng muốt, được chấm những điểm vàng nho nhỏ, xinh xinh. Và có lẽ cái tên “họa mi” bắt nguồn từ sự nhỏ nhắn, đáng yêu của những cánh hoa, cũng giống như những chú chim họa mi nhỏ bé nhưng giọng hót thì líu lo, thánh thót say đắm lòng người?

Thế rồi chính loài hoa dại ấy với vẻ đẹp bình dị, thuần khiết, giản đơn, mộc mạc, không rực rỡ, kiêu sa, nhưng cúc họa mi đã chinh phục được lòng của biết bao người. Khi loài hoa này chỉ nở rộ từ 3 - 4 tuần đúng vào thời điểm thu đã tàn, đông đang đến. Trong tiết trời se se lạnh cuối thu và chớm đông, dưới ánh nắng vàng hanh hao, vẻ đẹp thuần khiết của cúc họa mi lại càng làm say đắm lòng người. Ai cũng tranh thủ giữ lại cho mình một chút kỷ niệm thanh xuân cùng với loài hoa này. Bởi chỉ sau cơn gió lạnh đầu mùa, cúc họa mi cũng sẽ rời đi. Chính bởi mùa hoa ngắn và ý nghĩa của loài hoa này tượng trưng cho tình yêu thầm lặng mà chung thủy nên những người yêu hoa dành cho cúc họa mi một tình yêu đặc biệt.

Tôi cũng yêu cúc họa mi nên mỗi độ mùa hoa về bên chiếc bàn may là những bông họa mi tươi rói được cắm vào chiếc bình gốm màu xanh lục. Tôi nhớ mùa hoa năm ấy, nhớ mùa thu Hà Nội nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp tuổi trẻ của tôi. Khoảnh khắc được ai đó cài bông cúc trắng tinh khôi lên mái tóc rồi khẽ khàng sánh bước cùng nhau trên cung đường đầy nắng và cúc họa mi.

Hôm nay bạn gửi cho tôi một bó họa mi được bọc bên ngoài lớp giấy màu nâu với dòng chữ thân quen “Họa mi về giữ ấm đôi bàn tay nhé!”. Quả thật đông đã về cùng những cánh họa mi! Giật mình, một năm nữa sắp qua, sắp xếp những bộn bề lo toan, tất bật để lại, tôi tĩnh lặng ngắm những bông họa mi trắng xinh lòng như lắng lại, cảm giác an nhiên ùa về để bắt đầu đón những yêu thương của mùa mới.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.