Trình diễn nghi thức rước rể của người Êđê
Ngày 18/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức trình diễn nghi thức rước rể của người Êđê ở buôn Tơ̆ng Jŭ (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Đây là một hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023.
Theo phong tục của người Êđê, thông thường sau mùa rẫy, nhân ngày rộng tháng dài, lúa gạo đầy kho, nhà đã chuẩn bị trâu, bò, gà, heo… cô gái Êđê có thể đi hỏi chồng.
Lễ hỏi chồng của người phụ nữ Êđê gồm các nghi thức: Lễ hỏi (lễ đưa vòng), lễ thỏa thuận thủ tục gửi dâu, lễ rước rể, đón rể vào nhà. Nhà trai được đặc quyền thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà.
Lễ rước rể diễn ra khi đã hết thời gian thỏa thuận ở dâu bên nhà trai (1 - 3 năm), nhà gái đã giao đủ khoản thách cưới như được ấn định lúc hôn ước và hai bên gia đình chấp nhận cho đôi vợ chồng về nhà cha mẹ vợ ở.
Một số hình ảnh PV Đắk Lắk Online ghi nhận:
Đoàn rước rể từ nhà trai di chuyển về nhà gái... |
... trên đường đi, đoàn rước rể thường bị các tốp thanh niên (bạn bè, anh chị em nhà gái) trêu chọc, chặn lại, đòi quà. |
Muốn vượt qua những chướng ngại cản trở, đại diện gia đình chú rể phải trao cho họ một chiếc vòng đồng mới được bước lên cầu thang nhà dài. |
Họ cũng quan niệm, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn, từ đó cuộc sống ngày càng bền vững, hạnh phúc, làm ăn giàu sang hơn, sinh đẻ được nhiều con cái. |
Theo quan niệm của người Êđê, chiếc vòng đồng được đeo vào tay đôi vợ chồng trẻ với ý nhắc nhở sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái trong hôn nhân sẽ phải bồi thường lại đầy đủ sính lễ của lễ cưới. |
Về nhà gái, chủ lễ và họ hàng hai bên sẽ làm lễ công nhận cho đôi vợ chồng. |
Cô dâu, chú rể lắng nghe những lời dặn dò của nhà trai, nhà gái về những khó khăn phát sinh trong cuộc sống vợ chồng... |
... cô dâu sẽ phải giữ trọn đức hạnh, siêng năng, đảm đang chu toàn việc gia đình... |
...chú rể chăm chỉ làm ăn, san sẻ công việc với vợ, không nhậu nhẹt bê tha, có khó khăn cũng không được bỏ nhau. Đặc biệt, không được ngoại tình, quan hệ bất chính, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng, thịt trâu, bò để thiết đãi dân làng, đền tiền bạc và bị dân làng coi khinh. |
Sau lễ, hai người đã chính thức gọi nhau là vợ chồng, phải thương yêu nhau không được đổi thay, cùng siêng năng làm rẫy, nuôi dưỡng con cái. |
Họ trao cho nhau những ánh mắt tình tứ... |
Sau đó, đôi vợ chồng trẻ cầm mỗi người một cần rượu, uống đổi cần cho nhau với ý nghĩa cuộc đời của hai vợ chồng kéo dài mãi. |
Sau khi các nghi thức kết thúc, đôi vợ chồng cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên tại nhà vợ. Hai vợ chồng cùng nhau ăn chung một miếng cơm để cùng chia ngọt sẻ bùi, nguyện từ nay về sau dù no hay đói đều luôn có nhau. |
Sau đó, ông cậu nhà gái trao đầy đủ sính lễ như đã giao ước cách đây ba năm với nhà trai. |
Gia đình, họ hàng, bạn bè trao quà cưới cho đôi vợ chồng trẻ. |
Già làng thay mặt cho hai họ và đôi vợ chồng trẻ bày tỏ lòng cảm ơn, báo cho mọi người biết việc cưới xin đã xong xuôi tốt đẹp. |
Đại diện hai gia đình cùng nhau thưởng thức rượu cần, chúc phúc cho đôi bạn trẻ "mãi mãi bên nhau". |
Truyền thống của người Êđê theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ được thưởng thức rượu cần trước, rồi lần lượt đến bà con trong dòng họ hai bên đến chúc mừng, chung vui. |
Mọi người cùng ăn cơm chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. |
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc