Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ mạch nguồn buôn làng

10:02, 14/02/2024

Bao đời nay, người Êđê chọn những dòng nước ngọt mát ở khu vực rừng đầu nguồn để lập buôn. Rừng, bến nước là mạch nguồn sự sống, là nơi gắn kết cộng đồng. Thần nước, thần rừng đã chở che, cho bà con sức khỏe, sự sống sinh sôi.

Rừng thiêng ở buôn Mắp

Giữa cái nắng trưa mùa khô, khách bộ hành theo Tỉnh lộ 8 đoạn qua buôn Mắp (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) sẽ cảm thấy dễ chịu và thích thú khi dừng lại ngắm cảnh khu rừng nguyên sinh xanh tốt với nhiều loại cây cổ thụ.

Với người dân địa phương, đây là khu rừng linh thiêng, chất chứa nhiều điều kỳ bí và gắn bó với buôn làng từ bao đời nay.

Ông Y Ruê Mlô (Ama Xí) là một trong số ít những người già ở buôn biết nhiều chuyện về lịch sử vùng đất này. Khu rừng cũng gắn với truyền thuyết về một tình yêu ngang trái, vượt luật tục của người bản địa. “Rừng này linh thiêng lắm, ai mà kể chuyện, nhắc tên người xưa là lạc lối, không về được”, ông Y Ruê cho hay và “nói chuyện với ông bà” rồi mới bắt đầu kể chuyện cho khách xa.

Theo Ama Xí, truyền thuyết kể rằng: thuở xa xưa, trong buôn có hai anh em ruột tên là Y Din và H’Hoan, mồ côi cha mẹ. Họ yêu nhau nhưng buôn làng không biết để khuyên can nên đã thành vợ chồng. Đây là điều cấm kị, là tội lớn nên hai người phải sắm trâu trắng để làm lễ trước dân làng xin Yàng tha thứ.

Nhưng vì nhà nghèo, hai người được chấp nhận lấy heo trắng làm lễ vật dâng thần linh. Lúc thầy cúng đang làm lễ thì con heo bỗng sống lại chạy vòng quanh. Heo chạy đến đâu, đất sụt xuống đến đó, nước dâng lên nhấn chìm cả buôn. Chỉ có quả đồi cao còn lại cây cối um tùm mọc lên, dần dần thành rừng.

Hồ nước được đặt tên là Ea H’lăm, khu rừng mang tên Cư H’lăm (tiếng phổ thông là "loạn luân"). Rừng ở đây xanh mát quanh năm. Phía Đông của khu rừng là hồ nước trong xanh không bao giờ cạn.

Đồng bào Êđê quý rừng, yêu rừng và giữ rừng như báu vật.

Không chỉ vì sự linh thiêng, người dân ở đây quý rừng, yêu rừng bởi giá trị to lớn mà rừng mang lại. Họ giữ rừng như báu vật. Rừng là nguồn sống, họ nhìn vào rừng mà trồng trỉa. Rừng bị tổn thương do cháy hay gió bão thì bà con vào trồng lại. Ông Y Muynh Êban, Trưởng buôn Mắp cho biết, bao năm nay, bà con ở đây bảo ban nhau giữ rừng. Rừng ở cạnh buôn, nhưng người dân không bao giờ vào rừng chặt cây lấy gỗ mà chỉ bẻ bắp chuối, môn về làm thực phẩm hay cắt cây mây về chẻ làm vật dụng. Buôn thành lập tổ bảo vệ rừng có 10 người chia làm hai nhóm thay nhau tuần tra. Người lạ không thể vào xâm hại rừng.

Anh Trần Hoàng Long, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Cư M'gar cho biết, rừng Cư H’lăm có diện tích 22 ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 17 ha. Đây là rừng thường xanh hỗn giao, còn rất nhiều cây có đường kính gốc cỡ ba, bốn người ôm không xuể, trong đó có những loại lâm sản giá trị như: cẩm, sao, bằng lăng… Năm 2018, khu rừng này do UBND thị trấn Ea Pốk quản lý, người dân tham gia bảo vệ. Nhờ được giữ nghiêm ngặt, nên rừng hầu như không bị xâm phạm.

Mạch nguồn nơi rừng lớn

Với đồng bào Êđê, nước là hiện linh của sự sống. Có rừng thì có nước, rừng mất nước cạn thì buôn làng cũng chẳng còn. Bởi vậy, rừng cây, bến nước với bà con là không gian vừa linh thiêng, vừa quen thuộc. Hẳn cũng vì điều này mà bà con ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) lấy cái tên này đặt cho buôn mình từ ngày thành lập đến nay: Kmrơng Prông – khu rừng lớn. Ở đây có khu rừng xanh mướt. Phía dưới khu rừng là bến nước trong vắt róc rách chảy không bao giờ ngừng.

Bến nước đầu nguồn buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Vục tay uống ngụm nước mát lành ở bến nước lớn của buôn, anh Y Tư Êban, Trưởng buôn Kmrơng Prông B tự hào: “Đây là bến nước lớn và đẹp nhất thành phố. Ngày tôi sinh ra đã thấy khu rừng, bến nước này, đến giờ vẫn vậy. Người già, trẻ con đến đây, ai cũng phải uống nước mới về”. Ở đây có hai bến nước nữ và một bến nước nam, không gian xung quanh sạch sẽ và chưa hề bị bê tông hóa. Để gìn giữ bến nước của buôn vẫn nguyên vẹn như ngày ông bà mới lập nên, bà con ở đây không bao giờ xâm hại đến rừng. Ở đây có cây sao đường kính mấy người ôm. Cây đã chết khô nhưng người dân vẫn để vậy. Trước đây, có người ở nơi khác đến trả 60 triệu đồng để cưa cây, nhưng dân làng một mực từ chối vì đây là tài sản quý của cha ông để lại cho buôn làng. Theo truyền thống ở đây, nếu người nào trong buôn dám xâm phạm đến rừng thì sẽ bị xa lánh, lần sau không dám nữa. Ai chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ. Có đợt, một người cắt cành cây khô về làm đồ dùng thì đầu óc quay cuồng, đêm không ngủ được, phải mang trả lại rừng, người ấy mới bình yên.

Nước từ bến nước của buôn là nước của đất trời, hè mát, đông ấm. Hơn nữa, người Êđê tin rằng, uống nước lấy từ bến nước của buôn sẽ được thần nước che chở và ban sức khỏe. Bởi vậy, dù cuộc sống văn minh hiện đại, nhà nhà đều có giếng nước khoan, nhưng 95% trong số 268 hộ dân ở đây vẫn ngày ngày đến bến gùi nước sinh hoạt. Như bà H’Thiên Byă, nguồn nước này đã nuôi lớn ba thế hệ. Bà trước đây ở buôn Ky, lấy chồng rồi về đây ở và uống dòng nước này đến tận bây giờ. Với bà, bến nước là không gian thân thuộc, là sợi dây gắn kết ông bà với con cháu và cộng đồng. “Hầu như nhà nào cũng có giếng khoan hết rồi nhưng bà con vẫn thích uống nước lấy ở bến nước. Mình uống nước này được khỏe mạnh, không bệnh tật”, bà H’Thiên chia sẻ.

Theo ông Bùi Văn Hượng, công chức Văn hóa – Xã hội xã Ea Tu, trên địa bàn xã có 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hiện có 6 bến nước, rừng cây ở 4 buôn được người dân gìn giữ và sử dụng. Bến nước là thực thể không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con từ bao đời nay. Điều đáng tiếc là lễ cúng bến nước không được duy trì do những người già am hiểu nghi thức truyền thống không còn nhiều, nhiều người người trẻ trong buôn đi làm ăn xa nên phong tục mai một dần. Tuy nhiên bà con vẫn giữ gìn bến nước, rừng cây như cội nguồn của buôn làng, không cải tạo theo kiểu bê tông hóa. Về chất lượng nước, vừa qua, chính quyền địa phương đã lấy mẫu ở các bến nước đi kiểm tra thì tất cả đều bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe. 

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.