Hình tượng linh vật rồng trên gốm xưa
Trong tín ngưỡng người Việt, con Rồng trong 12 con giáp là hình tượng có nhiều gắn bó trong đời sống, tình cảm. Rồng phương Đông cũng như ở Việt Nam biểu tượng cho tinh thần, hy vọng của con người, nhất là người lao động về một sự đổi mới, tốt đẹp. Rồng ở Việt Nam còn thể hiện rằng cha ông ta xưa nay vẫn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân.
Nhiều các tác phẩm từ xa xưa đã thể hiện hình ảnh rồng đa dạng nhiều khía cạnh, văn hóa, lịch sử, di sản đến đời sống thường nhật, các nhà điêu khắc, họa sĩ đã vẽ, chạm trổ, đắp, gò thể hiện rồng trên nhiều chất liệu như thủy mặc, phấn tiên, gốm... mang đến nhiều thú vị cho người dùng, người thưởng lãm. Ngày nay, người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh rồng trong không gian đình, chùa, miếu, lăng; đồng thời cũng khá nhiều những hiện vật cổ xưa có hình ảnh linh vật rồng được lưu giữ tại các bảo tàng, các nhà sưu tập tư nhân.
NST Võ Minh Luân đang giới thiệu bộ sưu tập về linh vật rồng. |
Nhà sưu tập (NST) Võ Minh Luân (trú tại đường Y Khu, TP. Buôn Ma Thuột) là hội viên Trung Tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam, hiện nay đang sở hữu bộ sưu tập khoảng 100 hiện vật về linh vật rồng, đa dạng chất liệu từ gỗ, tranh, sơn son thiếp vàng, gốm... Trong đó, nhiều nhất là linh vật rồng được thể hiện trên chất liệu gốm, sứ qua các vật dụng như bình, chóe, ly, chén…
Anh Luân cho biết, các hiện vật này có tuổi đời từ vài chục năm đến vài trăm năm, có hiện vật lên đến 1.000 năm tuổi, thường gắn liền với đời sống người dân và được lưu giữ đến ngày nay. Trong đó có thể kể đến chiếc dĩa bằng gốm có hình tượng cặp rồng 3 móng đang bay, thế “lưỡng long tranh châu”. Hai con rồng tượng trưng cho âm, dương, nam và nữ, hai thái cực khác nhau, thể hiện sự thịnh vượng, sự cân bằng hài hòa. Đây là sản phẩm của hãng sứ Vĩnh Tường Đà Lạt xưa (năm 1960 - 1970), từng được bán khắp vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và xuất khẩu.
NST Võ Minh Luân giới thiệu về chiếc chóe gốm Gò Sành (thế kỷ 13 - 15). |
Vì người Tây Nguyên sử dụng chóe rất nhiều, nên NST Minh Luân sưu tầm được khá nhiều hiện vật chóe có hình tượng rồng như chiếc chóe Bát Bửu (dòng gốm Phúc Kiến) Lái Thiêu xưa cỡ lớn đầu thế kỷ 20; trên có hình tượng rồng Long Ổ tượng trưng cho tầng lớp con cháu vua quan xưa kia, được anh sưu tập ngay tại Đắk Lắk. Hay chiếc chóe rượu cần đắp nổi 2 linh vật rùa, kỳ đà của người Êđê, trên bề mặt có linh vật rồng đang bay. Đây là dòng chóe được đồng bào Tây Nguyên đặt làm ở Lái Thiêu (năm 1940 - 1960). Những chóe rượu này rất quý và hiện nay không còn nhiều.
Đặc biệt hơn là chiếc chóe gốm Gò Sành (thế kỷ 13 - 15) được làm tại Vương quốc Champa cổ Vijaya, nay là Bình Định. Trên chóe có đắp nổi linh vật rồng 3 móng, thân rồng có vẩy được các nghệ nhân chạm khắc vẩy thô sơ nhưng rất sống động. Được biết, đây là chóe quý hiếm hiện chỉ có một cái ở Việt Nam, cái còn lại ở một bảo tàng tại đất nước Hà Lan. Gia đình anh Luân rất tâm đắc với hiện vật này và xem như báu vật của gia đình, mỗi lần có khách tới thăm anh đều trân trọng giới thiệu.
Chiếc bình Biên Hòa (1950 - 1970) về chủ đề Tây Nguyên có rồng trên vấu được trưng bày tại không gian Nhà cổ Đại Ngàn của NST Võ Minh Luân. |
Trong các hiện vật thuộc bộ sưu tập của anh Luân còn có một chiếc bình với hoa văn là không gian văn hóa Tây Nguyên có linh vật rồng được thể hiện trên tai (vấu). Đây là chiếc bình Biên Hòa (1950 - 1970) duy nhất về chủ đề Tây Nguyên có rồng. Bình có màu xanh ngọc và men đá đỏ, là hai dòng men đặc trưng của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa nổi tiếng xưa kia, được anh Luân sưu tầm từ bên Pháp vào năm 2019.
Anh Luân kể, chiếc bình này được một người Pháp mua về, sau đó bị gãy một tai rồng, nên họ đã tự thẩm mỹ lại cho giống nguyên bản ban đầu. Đó là điều thú vị và cho thấy họ rất trân trọng đồ cổ xưa của Việt Nam. Để đưa được chiếc bình này về lại cố hương, anh Luân thông qua một nhà sưu tầm nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh đấu giá tại Pháp.
Chiếc đĩa gốm Lái Thiêu xưa, được làm vào năm Giáp Thìn 1964. |
Trong bộ sưu tập về linh vật rồng của anh Luân còn rất nhiều những hiện vật khác, mỗi hiện vật có một câu chuyện và giá trị khác nhau, nhưng đều những mang ý nghĩa tốt đẹp về cuộc sống, ước muốn của con người. Bộ sưu tập sẽ được gia đình anh Luân trưng bày tại không gian Nhà cổ Đại Ngàn của gia đình trong dịp xuân Giáp Thìn, để người thân, bạn bè và tất cả du khách có nhu cầu tới tham quan, tìm hiểu.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc