Chuyện ăn uống của người xưa qua “Thực vật bản thảo khúc”
Ăn uống là việc quan trọng để duy trì sự sống của con người. Trong các nhu cầu của con người: thực, y, cư, hành, khang, lạc… thì thực (ăn) đứng đầu.
Trong ăn, người Việt Nam đặc biệt chú trọng đến quan hệ biện chứng âm dương, bao gồm ba mặt quan hệ hết sức mật thiết với nhau, đó là: Bảo đảm hài hòa âm dương của thức ăn; bảo đảm sự quân bình âm dương trong cơ thể và bảo đảm sự cân bằng âm dương giữa con người với môi trường tự nhiên.
Theo quan niệm của người phương Đông, mọi thứ trong vũ trụ đều có tính chất âm hoặc dương. Sự cân bằng hai tính chất này đóng vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe. Mỗi loại thực phẩm đều mang trong mình đặc tính âm - dương nhất định và đặc tính này có ảnh hưởng đến sự cân bằng âm dương trong cơ thể khi ăn vào. Sự mất cân bằng âm dương là nguyên nhân gây ra bệnh tật.
Hiểu biết minh triết trong ăn uống của phương Đông đã được các danh y từ cổ chí kim vận dụng như một liệu pháp duy trì sức khỏe, phương thức chữa bệnh không dùng thuốc, ít tốn kém, dễ thực hành. Nhiều học giả, thầy thuốc Đông y đã bỏ nhiều công sức khảo cứu, viết nhiều công trình về các loại thực phẩm, rau quả, ngũ cốc… phục vụ cho ăn uống, chữa bệnh.
Theo số liệu hiện có tại Viện Hán – Nôm, các loại sách, tài liệu Hán - Nôm viết về các loài động - thực vật, rau quả, ngũ cốc có trong bữa ăn hằng ngày và công dụng chữa bệnh tương đối phong phú (chưa kể còn trong dân gian). Trong di sản quý giá về cây cỏ, hoa lá, thảo quả dùng để ăn và làm thuốc được chia thành các bộ rất cụ thể như: Bản thảo thực vật toát yếu, Nam bang thảo mộc, Nhật dụng thực vật, Bản thảo thực vật, Nam dược thần hiệu, Lĩnh Nam bản thảo, Bản thảo phân loại, Bản thảo yếu lục, Bản thảo ngọc kính cách vật, Thực vật bản thảo khúc…
Đặc biệt trong đó “Thực vật bản thảo khúc” là tác phẩm mang thể loại khúc ngâm (bằng các thể thơ) về các loại thực phẩm và cách ăn uống. Tác phẩm này khuyết tên tác giả, được viết tay bằng chữ Nôm (có niên đại vào khoảng thế kỷ 17 – 18), rất có giá trị về mặt văn học và cách thức ăn uống, phòng chữa bệnh thông qua dưỡng thực.
Nhận thấy đây là một di sản văn hóa quý hiếm, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã tiến hành sưu tầm, sao chụp toàn bộ tác phẩm và tiến hành phiên dịch, chú giải và tổ chức xuất bản, hầu phục vụ các nhà nghiên cứu và bạn đọc.
“Thực vật bản thảo khúc” do TS. Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức bản thảo, nhà nghiên cứu Hán – Nôm Lê Minh Khiêm phiên dịch, chú giải và được Nhà xuất bản Thuận Hóa cấp phép ấn hành, ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2024.
Nội dung chủ yếu của “Thực vật bản thảo khúc” là những khúc ngâm về các loại thực phẩm bằng nhiều thể thơ, lời thơ giản dị, mộc mạc, dễ thuộc, dễ nhớ, được viết bằng chữ Nôm giới thiệu các loại thực vật hằng ngày, gồm:
Cốc bộ (với 49 giống hạt) như: Hạt vừng trâu có tác dụng lợi tràng; vừng trắng có tác dụng bổ thông huyết; phục linh trị chứng suy nhược cơ thể… Rồi các loại lúa gạo, hạt kê, đậu/đỗ… được trình bày phong phú, giàu tính văn học như: “Hoàng lương: kê vàng/Bạch lương: kê trắng/Thanh lương: kê xanh/Túc: kê hạt nhỏ/Thuật: kê nếp/Cô mễ: nành nạnh…”.
Thái bộ (gồm 90 giống rau), từ rau hẹ, hành, kiệu, muống, mướp đắng, củ mài… đều có tác dụng thanh phong giải nhiệt, tháo mồ hôi, đả thông huyết mạch… Đến Quả bộ (với 67 loại quả), Lân bộ (bộ có vảy, với 67 giống), Giới bộ (bộ có vỏ, với 32 giống), Bộ cầm (bộ chim, với 70 loài), Bộ thú (với 38 giống)… Tất cả đều được liệt kê sắp xếp một cách rạch ròi, có thứ, có loài, từ đó nhấn mạnh công dụng cụ thể dưới góc độ ẩm thực và y lý, với những phẩm chất và đặc tính nổi bật, những điều kiêng kỵ khi sử dụng để tránh gặp nguy hiểm cho sức khỏe…”.
TS. Trần Đình Hằng mong muốn: Tập sách “Thực vật bản thảo khúc” sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích như là một nguồn tư liệu phong phú và đa dạng về hệ sinh thái cảnh quan, nổi bật với bức tranh động – thực vật đặc sắc, rất thiết thực trong việc tìm hiểu về chuyện ăn uống ngày xưa, từ góc độ thực phẩm, dinh dưỡng, cho tới y học, sinh thái học…
Minh Đăng
Ý kiến bạn đọc