Nhớ màu hoa dook khun
Màu hoa dook khun gợi nhớ ánh đạo vàng trong Phật sự, trong cổ sử và trước khuôn viên những ngôi chùa Lào.
Tôi gọi chung chùa Lào vì lối kiến trúc giống nhau, ở trung tâm thành phố hay ngoại ô đều vậy, giống từ tường rào, cổng ngõ đến nội thất. Và trước sân chùa, ở hai bên bao giờ cũng có hàng cây xanh rủ bóng miên man, vàng trĩu một màu hoa dook khun. Vàng chói chang giữa màu nắng trưa tháng tư, vàng thẫm dịu theo ngọn gió xế chiều thổi lên từ dòng Mekong, và vàng đắm đuối theo những quầng nước giữa mùa Bun Pi May trên đất Lào.
Dịp tháng tư năm ngoái, tôi có dịp lang thang trên xứ sở triệu voi, từ cố đô Luang Prabang xuôi về thủ đô Viên Chăn, dọc dài xuống phía Nam Lào để giáp mặt sông Mekong ở thành phố Pakse của tỉnh Champasak. Không chỉ những ngôi chùa mà dọc đường, trước những ngôi nhà mái thấp hiền hậu của người Lào, ở đâu cũng thấy hoa dook khun nở tưng bừng. Bounthong Phounsavat, người bạn Lào trẻ tuổi dẫn đường nói với tôi: “Giữa tháng tư là mùa Tết Lào, tiếng Lào gọi là Bun Pi May. Mùa này cũng là mùa dook khun nở rộ. Nó là hoa Tết của người Lào...”.
Các cô gái Việt gốc Lào thực hành nghi lễ đắp tháp cát trong Tết Bunpimay ở huyện Buôn Đôn. Ảnh: Đăng Triều |
Dook khun, người Việt gọi dân dã là muồng vàng (muồng hoàng yến), còn Thái Lan thì chọn dook khun là quốc hoa. Về danh chỉ thực vật, cây này thuộc họ đậu, phân họ Vang, nguồn gốc từ miền Nam Á, trải dài từ Pakistan đến Sri Lanka.
Việt Nam nhiều nơi trồng cây này, tập trung ở Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Hoa dook khun nở tùng chùm, rủ xuống như những tua dải trên vương miện nên có nơi còn gọi là hoa hoàng hậu.
Tuy nhiên về sắc thái và ý nghĩa tâm linh thì Thái Lan và Lào là hai quốc gia coi trọng loài hoa dook khun. Gắn liền với Tết Năm mới, với chùa chiền nên dook khun được người Lào xem là hoa Phật, hoa Phước, hoa của lòng thành với tổ tiên, cha mẹ.
Buonthong Phounsavat kể, người Lào hái hoa dook khun về ngâm với nước thơm để tắm tượng Phật, dâng cúng trong ngày tết, té nước cầu phúc cho mọi người, rảy vào tóc, áo quần của khách trong Lễ buộc chỉ cổ tay…
Những nền văn minh nông nghiệp luôn coi “nước” là nguồn gốc của vạn vật, sinh sôi, trù phú. Người Lào cũng vậy nên trong Tết Năm mới (Bun Pi May) sôi động nhất là lễ té nước (Bun Hót Nậm).
Ngoài việc người thân trong gia đình chúc phúc nhau bằng việc té (tạt) nước, người ta còn mang đủ thứ vật dụng đựng nước ra đường làng, đường phố để té nước vào người qua đường, du khách.
Người Lào tin rằng, trong dịp Tết Năm mới, người nào té được nhiều nước cũng như người được té nhiều nước sẽ gặp may mắn, phước lành trong năm mới.
Nếu ai chưa từng dự lễ té nước trong Tết Lào sẽ khó hình dung không khí náo nhiệt. Lạ quen không cần biết, cứ hắt nước vào nhau, áo quần ai nấy ướt sũng. Vuốt mặt không kịp, chỉ tiếng cười lan ra không dứt. Rồi chắp tay cầu nguyện, trao gửi những lời chúc bình an, sức khỏe, may mắn. Cuộc vui kéo từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đường lớn, bản này sang bản kia, mãi tận những thành phố lớn ngựa xe dập dìu.
Du khách Việt chụp ảnh kỷ niệm với hoa dook khun trên đất Lào. |
Khi chúng tôi ở Lào, Tết Lào chưa đến nhưng mùi Tết, màu Tết thì đã tràn ngập. Năm nay, Tết Lào Bun Pi May chính thức vào ngày 13/4, giống như mùng 1 Tết ở Việt Nam. Vợ chồng Bounthong Phounsavat chở đoàn chúng tôi vòng quanh thành phố Pakse, lên tận chùa Wat Phou – Di sản văn hóa thế giới, thác Khone Phapheng – Di sản thiên nhiên thế giới và Khu du lịch, nghỉ dưỡng Paksong. Cảnh sắc, cây cối trong tiết chuyển mùa ở vùng Nam Lào hao hao Tây Nguyên, âm ỉ và đầy hứng khởi chờ đợi những giọt nước mát mẻ của mùa mưa đang rất gần.
Chiều muộn, đoàn chúng tôi ghé một nhà hàng nổi bên dòng Mekong. Cá sông Mekong nướng thơm lừng, rau suối xào xanh mướt, cơm lam dẻo ngon từng hạt. Tất cả như đã dậy lên mùi tết. Và ven sông, hàng cây dook khun có lẽ mới trồng vài năm, chỉ cao tầm hai thân người, vậy mà những chùm hoa bói cũng kịp nở, thả vào trời xanh, mây trắng, thả vào miên man con nước Mekong một màu vàng vô ưu. Vô ưu với thiên nhiên nhưng se sắt lòng người…
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc