Multimedia Đọc Báo in

Con đường thiêng ở Mỹ Sơn

10:40, 01/05/2024

Đầu tháng 4/2024, tại Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn phía đông tháp K – Mỹ Sơn.

Theo kết quả khai quật, một con đường thiêng có niên đại gần 1.000 năm dẫn từ tháp K vào trung tâm khu đền tháp Mỹ Sơn lần đầu tiên được phát hiện…

Trong hơn 70 đền tháp ở Mỹ Sơn thì tháp K là một tháp đơn lẻ nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác ở phía tây bắc thung lũng Mỹ Sơn.

Tháp được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, khá cao bên cạnh dòng suối Khe Thẻ. Nếu vào thung lũng Mỹ Sơn theo đường bộ bên cạnh suối Khe Thẻ đến Mỹ Sơn thì công trình kiến trúc đầu tiên bắt gặp trong thung lũng này là tháp K.

Tư liệu về ngôi tháp này hiện không có nhiều, ngoài bản khảo tả của Henri Parmentier  (1871 - 1949) - nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa cổ xưa vào đầu thế kỷ 20.

Theo bản vẽ của ông, tháp K có bình đồ hình chữ nhật, lòng rộng 3,9 x 3,19 m; ngôi tháp này được đoán định có niên đại thế kỷ 12 – 13.

Con đường cổ có niên đại gần 1000 năm rộng 9 m, có bờ bao hai bên.

Những năm 2017 - 2018, tháp K được nhóm chuyên gia Ấn Độ nghiên cứu và tu bổ, tôn tạo.

Ở phía đông của tháp này, nhóm chuyên gia đã làm xuất lộ hai đoạn tường bao của một con đường hướng về nhóm tháp E, F và một số hiện vật thuộc công trình kiến trúc, 2 tượng sư tử trong tư thế đứng, hiện vật đất nung, gốm sứ… có niên đại vào thế kỷ 12.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, việc phát hiện con đường dẫn từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn chưa được các chuyên gia quan tâm đúng mức…

Do vậy, con đường thiêng này thời điểm đó chưa được giới khảo cổ học, các nhà nghiên cứu và du khách biết đến.

Tháng 6/2023, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phối hợp với Viện Khảo cổ học đào thăm dò diện tích 20 m2 tại khu vực quanh tháp K nhằm xác thực những thông tin về dấu tích kiến trúc trên.

Kết quả khảo sát đã phát hiện hai đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía đông tạo thành con đường hướng vào các khu tháp E, F.

Những tư liệu thu được giúp đoàn khảo sát xác định kiến trúc đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn là phát hiện mới, chưa từng được biết đến trong lịch sử tồn tại của di tích.

Con đường đó khác hẳn với hướng đi được thiết kế để đón du khách đến tham quan Mỹ Sơn hiện tại.

Phát hiện trên cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ về mặt bằng, quy mô và chức năng của con đường dẫn từ tháp K vào Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa.

Di vật phát hiện trong hố khai quật.

Đầu tháng 3/2024, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ với tổng diện tích 220 m2 với một hố khai quật chính 200 m2 và 4 hố khai quật thám sát (5 m2/hố).

Qua hơn một tháng khai quật, đoàn khảo cổ đã làm phát lộ rõ vết tích một đoạn con đường dẫn từ phía đông tháp K vào các khu tháp E – F ở khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn.

Qua quan sát tại thực địa và theo báo cáo kết quả khai quật thì con đường cổ rộng phủ bì 9 m gồm lòng đường và hai bức tường xếp gạch bo hai bên; tường bao được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt trên khoảng 0,46 m.

Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong các hố thăm dò, khai quật có thể nhận định bức tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong và phía ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích.

Do tính chất khu vực khai quật là đường đi nên di vật phát hiện được không nhiều, chỉ gồm vật liệu kiến trúc (đá, gạch và ngói), gốm gia dụng (gốm sứ, sành và gốm đất nung) và một số vật dụng bằng kim loại... có niên đại khoảng từ thế kỷ 10 - 12. Những di vật trên tiếp tục củng cố cho nhận định kiến trúc đường dẫn có niên đại thế kỷ 12, tương đương với niên đại tháp K.

Tại hội thảo nói trên, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định đây là con đường thiêng - con đường dẫn thần linh, vua chúa và tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn vào thế kỷ 12, tương đương với niên đại tháp K.

Dấu tích của con đường thiêng hay con đường hành lễ liên quan đến các nghi lễ Ấn Độ giáo cũng đã được các nhà khảo cổ phát hiện ở một số địa điểm có tính chất tương tự khu đền tháp Mỹ Sơn, như tại Gò Tháp Mười (Đồng Tháp), Gò Sáu Thuận (An Giang).

Tại khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), những người khai quật năm 2022 - 2023 đã thông tin về việc phát hiện một con đường rộng 8,85 m có cấu trúc tương tự con đường phát hiện ở Mỹ Sơn...

An Trường


Ý kiến bạn đọc