Lễ cúng Thành hoàng của người Lào
Ngoài Phật giáo, Bà La Môn giáo, người Lào còn có tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng bản.
Lễ cúng Thành hoàng gắn liền với nghi thức lễ bái trụ trấn bản mường, tiếng Lào gọi là “Kan liệng Mặ Hể Xặc, Lắc Mương”, được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 lịch Lào, ứng với rằm tháng 5 âm lịch Việt Nam. Người Thái và người Lào ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La (Việt Nam) cũng có phong tục này, được gọi là lễ “Xên bản, xên mường", nghĩa là lễ cúng bản, cúng mường.
Nguồn gốc lễ cúng này được người Lào lý giải qua giai thoại sau đây: Thuở xưa, đức vua của xứ sở Jakkaphatti NaKhon có một cô con gái xinh đẹp là công chúa Paphaphan.
Trong một trận đại hồng thủy, thuyền của nàng bị cuốn trôi vào khu rừng của ma vương Kanrapala và bị ma vương này bắt làm vợ. Về sau, vị vua của xứ Tinakhon tên là Kisanurat đã gặp được công chúa trong một chuyến đi săn và đưa nàng ra khỏi tòa lâu đài để đem về làm vợ của mình. Ma vương tức giận bèn tấn công xứ Tinakhon.
Ma vương chia quân ra làm bốn đạo: Đạo thứ nhất đi làm cho các thai phụ sinh con rồi chết; đạo thứ hai rình đánh cho mọi người đi đường bị vấp ngã; đạo thứ ba làm cho dân chúng bị thổ tả, sốt huyết, đau mắt; đạo thứ tư làm cho trâu, bò mắc bệnh dịch mà chết.
Vua xứ Tinakhon bèn mời đạo sĩ đến đuổi ma bằng cách cúng Thành hoàng và các âm binh trong bản mường để bảo vệ xứ sở của mình. Sau đó, ma vương bị đánh bại, bốn phương thanh bình nhờ có Thành hoàng đem âm binh bảo hộ.
Một quần thể đền tháp cổ ở Sầm Nứa (Lào). |
Từ giai thoại trên cho thấy, việc thờ cúng âm binh ma mường, tức cúng Thành hoàng là để cầu sự phù trợ cho bản mường, xứ sở thoát khỏi bệnh tật mỗi khi mùa mưa bắt đầu đến. Thời gian khi ấy vào tháng 7 lịch Lào, ứng với tháng 6 của dương lịch. Việc thờ cúng âm binh ma bản, ma mường là bởi người xưa không lý giải được nguyên nhân và cách phòng, chữa bệnh dịch bằng thuốc như ngày nay. Người xưa quan niệm, các loại bệnh dịch dễ lây lan nhưng khó chữa như: thổ tả, đậu mùa, đau mắt hột... đều do bọn ma quỷ gây ra.
Ngoài nghi thức cúng âm binh ra, dân gian Lào lại thực hiện thêm một số nghi thức khác như lấy cỏ tranh bện lại thành dây thừng rồi giăng quanh bản mường để trừ tà ma. Người Lào gọi cỏ tranh là "nhạ kha", mà từ “kha” lại cũng có nghĩa là “mắc kẹt”, dùng cỏ tranh bện thành dây thừng giăng quanh bản mường để… ma sẽ bị mắc kẹt trong đoạn dây cỏ tranh. Lại cũng có nơi đem vôi trắng quệt vào cổng bản để cho yêu ma sợ. Dân bản lại chọn ra một người mặc đồ trắng đi cùng đạo sĩ hoặc thầy cúng lấy cát, sỏi ném vãi khắp nơi để cho những thứ ấy rơi vào mắt ma quỷ, khiến chúng không mở mắt nổi. Nhiều bản còn có lệ đem tên ra bắn tứ phía để hù dọa bọn yêu ma.
Việc cúng ma bản, ma mường còn có nghi thức dâng hoa sen. Hoa sen ở đây là biểu tượng của linga, cũng là sự hiện thân của thần Siva trong Bà La Môn giáo. Cũng trong thời điểm này, các dân tộc có tín ngưỡng thờ Then (Ngọc Đế) như Thái, Tày... cũng làm lễ cúng Then trên trời để cầu phước lành.
Người Lào đang sinh sống ở huyện Buôn Đôn hiện không còn duy trì lễ cúng này như cộng đồng người Lào ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, qua những người già địa phương, chúng tôi được biết rằng những năm 1960 trở về trước, lễ cúng Thành hoàng vẫn được người Lào ở huyện Buôn Đôn thực hiện. Về sau, do hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc nên lễ hội này cùng với những lễ hội khác đã dần chìm vào quên lãng.
Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon
Ý kiến bạn đọc