Nhiều tư liệu mới về hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại
Cựu hoàng Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương - vị vua và hoàng hậu cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam, đến nay vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, sách báo công bố, nhưng có không ít chi tiết, sự kiện còn nhầm lẫn, thiếu chính xác, thậm chí mâu thuẫn, hay những giai thoại chưa được kiểm chứng, minh định rõ ràng.
Nhằm bổ sung những khiếm khuyết đó, cuốn sách “Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại” do TS. Vĩnh Đào (TS. Văn học tại Đại học Sorbone, Cộng hòa Pháp) và Nguyễn Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Hội quán các bà mẹ, TP. Hồ Chí Minh) đồng biên soạn, được Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam xuất bản, vừa mới ra mắt bạn đọc, góp phần làm rõ những thông tin, tư liệu còn mơ hồ.
TS. Vĩnh Đào cho hay, mục tiêu của cuốn sách là “viết chính xác, khách quan để độc giả có một cái nhìn đúng đắn về hoàng hậu Nam Phương cùng vua Bảo Đại”. Xuất phát từ niềm cảm mến về hai nhân vật này, TS. Vĩnh Đào đã tìm đọc và tìm hiểu về cuộc đời, cùng những diễn biến thăng trầm của Nam Phương hoàng hậu và cựu hoàng Bảo Đại. Tuy nhiên càng đọc, ông càng nhận ra những gì được viết phần lớn chỉ là giai thoại, được thêu dệt bằng những câu chuyện truyền miệng thiếu căn cứ. Vì vậy, ông đã bắt tay vào việc tái hiện chân dung hoàng hậu từ cách tiếp cận của người viết sử.
Để hoàn thiện cuốn sách, hai tác giả đã dành ba năm để thực hiện nhiều chuyến đi thực tế, tìm đến những nơi lưu dấu về vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương ở Việt Nam như Sài Gòn, Tiền Giang, Chợ Lớn, Biên Hòa, Đà Lạt, Kon Tum, Quy Nhơn, Huế, Hà Nội… và cả ở Pháp, những nơi nhà vua, hoàng hậu đã từng học tập, sinh sống.
Các tác giả cho biết, trong quá trình thực hiện cuốn sách, họ đã có dịp tiếp cận nhiều tư liệu gốc, gặp nhiều nhân chứng và hậu duệ của những người cùng thời, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước, nhằm đính chính nhiều thông tin, sự kiện chưa chính xác về thân thế, cuộc đời hoàng hậu Nam Phương.
Theo đó, ngày sinh của hoàng hậu Nam Phương không phải ngày 4/12/1914 như triều đình Huế, cùng sách báo trước nay đã công bố, mà chính xác là ngày 14/11/1913 (cùng tuổi với Bảo Đại, được khắc trên bia mộ của bà tại Pháp). Kết luận này được đưa ra sau khi đối chiếu bản khai sinh lưu trữ tại Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại Pháp và bản trích lục sổ Rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913. Nơi sinh của bà trước đây được cho là ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một sự nhầm lẫn về địa danh.
Trên thực tế, bà sinh ra tại nơi có tên Gò Công, nhưng thuộc TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh ngày nay). Hay, ngay cả thành phần xuất thân, gia thế, quê quán của thân phụ bà là điền chủ Nguyễn Hữu Hào mà từ trước đến nay nhiều công trình công bố đều có sự nhầm lẫn, nay đã được tác giả xác minh, đính chính…
Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện bên lề cũng được hé lộ như mối quan hệ và vị thế của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp, những việc triều chính lẫn những câu chuyện tình cảm của Bảo Đại; những năm cuối đời của cựu hoàng Bảo Đại cũng được thuật lại bởi người con út của ông với bà vợ Pháp là Patrick-Esdouard Bloch Carcenac.
Ngoài những điều trên, cuốn sách còn cung cấp nhiều tư liệu về cuộc sống của Nam Phương hoàng hậu ở Cannes; những mối tình ngoài hôn thú của cựu hoàng Bảo Đại, cùng nhiều lá thư chưa được công bố mà bà gửi cho chồng mình… Qua đó, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một người phụ nữ gia giáo, thủy chung và đầy trí tuệ, bản lĩnh...
“Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại” là cuốn tư liệu được viết theo trình tự thời gian, từ khi họ còn là thiếu nữ Nam Kỳ và hoàng thái tử triều Nguyễn, cho đến những năm tháng cuối đời sống lưu vong, ẩn dật rồi mất tại Pháp. Không chỉ trình bày nhiều tư liệu lần đầu tiên được công bố về cuộc đời cựu hoàng Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, tác phẩm còn đưa ra góc nhìn và lập luận mới, có giá trị về mặt khoa học lịch sử.
Minh Đăng
Ý kiến bạn đọc