Multimedia Đọc Báo in

Anh em “người khổng lồ” của nền văn nghệ Việt Nam

13:49, 29/07/2024

Nhạc sĩ Nhật Lai và người em ruột - nhà thơ Nguyễn Mỹ là trường hợp vô cùng độc đáo của nền văn nghệ Việt Nam đương đại. Một người trọn đời công phu cùng giao hưởng dân tộc, một người tài hoa bạc mệnh với những cung bậc ráo riết cách tân thơ Việt ngay trong những ngày đất nước lửa khói…

Nhật Lai - cánh chim giao hưởng Việt

Ông Phạm Kỳ Hòa, nguyên Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên, là cháu ruột gọi nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ là cậu; mẹ ông Hòa là em ruột của nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ.

Từng nhiều năm sống gần gũi với nhạc sĩ Nhật Lai ở Hà Nội, ông Hòa hồi tưởng những ấn tượng đời thường về người cậu nổi tiếng của mình: “Cuộc sống cậu Nhật Lai rất bình dân, nhiều người Hà Nội lúc đó mới gặp cũng không biết ông là một nhạc sĩ nổi tiếng. Căn nhà tập thể của gia đình cậu có vách ngăn bằng cây lồ ô rồi trát vữa, lợp bằng lá cọ; trong nhà chỉ có cây đàn piano của Nhật là giá trị nhất. Lúc tôi ra Hà Nội thì vợ đầu của cậu là nghệ sĩ múa Châu Ngọc Lệ (người Khơme) đã mất, cậu đang sống với người vợ thứ hai là Hồ Thị Kha Y (người Pakô). Mợ Kha Y tốt nghiệp đại học thanh nhạc tại Albani, sau là giảng viên Trường Văn hóa nghệ thuật Gia Lai…”.

Nhạc sĩ Nhật Lai (trái) và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tại Sài Gòn 1976. Ảnh: Tư liệu gia đình Nhật Lai - Nguyễn Mỹ

Không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng bằng cảm quan riêng của mình, ông Phạm Kỳ Hòa nêu suy nghĩ lý giải về cơ duyên thành công của hai người cậu ruột: “Có lẽ do xuất thân từ một vùng quê Phú Yên nghèo khó nhưng nhờ có năng khiếu bẩm sinh, sống nhiều năm với âm nhạc đồng bào Tây Nguyên và được học hành bài bản lúc tập kết ra Bắc nên hai cậu thành tài; vùng quê gia đình cũng là nơi tìm thấy bộ đàn đá Tuy An nức tiếng…”.

Nhạc sĩ Nhật Lai tên thật là Nguyễn Tuân, sinh ngày 12/5/1931 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An (Phú Yên), mất ngày 5/1/1987 tại Hà Nội, đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2002. Ông đã để lại cho đời 18 vở nhạc kịch - ca kịch, 6 tác phẩm khí nhạc, 2 nhạc phim và trên 40 ca khúc…

Nhà thơ Nguyễn Mỹ tên thật là Nguyễn Mỹ, sinh ngày 21/2/1936 cũng tại Phú Yên; 16 tuổi vào bộ đội, ra Bắc công tác tại Nhà xuất bản Phổ thông. Năm 1968, ông trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và hy sinh ngày 16/5/1971 tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Tác phẩm chính: Trận Quán Cau (bút ký, 1954), Sắc Cầu vồng (thơ, 1980, in chung với Nguyễn Trọng Ðịnh), Thơ Nguyễn Mỹ (thơ, 1993); đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Theo nhạc sĩ Kpa Ylăng, một chuyên gia về âm nhạc Tây Nguyên, nhạc sĩ Nhật Lai đã để lại những tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị đối với Tây Nguyên nói riêng, âm nhạc Việt Nam nói chung. Ông đã đưa cái hừng hực sôi động, cái trữ tình, mượt mà của âm nhạc Tây Nguyên lên sân khấu ca múa. Còn Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Sao Biển Phú Yên, đánh giá rằng nhạc sĩ Nhật Lai là một trong những người Việt Nam có công đầu trong việc khai thác, phát huy những giá trị đặc sắc của âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên. Nhật Lai là một trong những người đầu tiên viết và đầu tư bài bản trên lĩnh vực giao hưởng ở Việt Nam. Nhiều tác phẩm khí nhạc của Nhật Lai đã được biểu diễn, được đánh giá cao trong và ngoài nước. Ông còn có những đóng lớn trong việc xây dựng và đào tạo lực lượng cho Đoàn văn công Tây Nguyên trong những năm chống Mỹ, cứu nước. “Có lẽ bởi thành tựu chính của Nhật Lai là trên lĩnh vực khí nhạc nên ít người biết đến ông hơn một số nhạc sĩ khác…”, Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc nói.

Riêng bài hát “Hà Tây quê lụa” Nhật Lai viết năm 1965 là trường hợp đặc biệt thú vị: “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa/ Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu cháy/ Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần”… Dù Hà Tây nay đã sáp nhập về Hà Nội song trong hành trang tinh thần của nhiều người con quê lụa vẫn có những giai điệu diết da của bài tình ca “Hà Tây quê lụa” và theo đánh giá của giới nghiên cứu, “Hà Tây quê lụa” là một tác phẩm đặc sắc của tâm hồn nhạc sĩ tài hoa Nhật Lai nên nó đã và sẽ có một đời sống riêng lâu bền. Chính bài hát này “góp tay” để người ta sẽ còn nhớ mãi có một vùng văn hóa sâu thẳm nồng nàn mà không dễ ai có thể xóa nhòa trong tâm khảm dân tộc. Nhạc sĩ Nhật Lai là một người khổng lồ của nhạc giao hưởng Việt Nam; mảng ca khúc chỉ là “bề nổi của tảng băng trôi” trong sự nghiệp sáng tác của ông, một người Hà Nội - Hà Tây thứ thiệt…

Nguyễn Mỹ - nhà thơ 50 bài

So với nhạc sĩ Nhật Lai, người em ruột là nhà thơ Nguyễn Mỹ được nhiều người biết đến hơn bởi bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” đã được đưa vào giảng dạy trong trường học, liên tục được ngâm trong các chương trình nghệ thuật và có mặt trong các tuyển thơ.

Thạc sĩ văn chương Bùi Văn Thành (Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên) cho biết, trong luận văn “Ám ảnh sắc màu trong thơ Nguyễn Mỹ”, ông đã cất công sưu tầm nhiều nguồn tư liệu và tìm được cơ bản tất cả thơ của Nguyễn Mỹ là khoảng 50 bài. Theo thạc sĩ Thành, Nguyễn Mỹ làm thơ không nhiều nhưng chắt lọc, có ý thức cách tân vượt trội so với thế hệ thơ cùng thời, thế nhưng sự nghiệp còn dang dở khi ông mất quá sớm, khi mới 35 tuổi.

Nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ.  Ảnh: Tư liệu gia đình Nhật Lai - Nguyễn Mỹ

Nhiều người luôn xếp Nguyễn trong nhóm những nhà thơ “hiện tượng một bài”. Thế nhưng chỉ với “Cuộc chia ly màu đỏ” cũng đủ khắc họa chân dung một tầm vóc thi ca, ở sự lan tỏa, cách tân, dũng cảm “đi trước thời đại” và sự trường tồn của giai điệu, thi ảnh.

Độc đáo của Nguyễn Mỹ là dùng “bông hoa chuối” làm biểu tượng cho sự xa cách trong tình yêu. Cái đẹp dung dị của màu đỏ quê mùa đã vào thơ ông một cách tự nhiên mà sang trọng nhường kia. Cũng như ý tưởng “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” đã được thi sĩ phổ vào thơ tình thật mềm mại, đắm say. Màu đỏ của cuộc chia ly đã trở thành điều cao cả, thiêng liêng mà một thời vạn vạn người trẻ đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang - chiến đấu vì đất nước, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Sức ngân của tứ thơ “màu đỏ chia ly” mang tư tưởng thời đại nhưng xuất phát từ trái tim yêu đương cháy bỏng và trở về trái tim yêu đương cháy bỏng nên “màu đỏ ấy theo đi” suốt qua tâm hồn bao thế hệ.

Một đoàn làm phim chụp ảnh lưu niệm với gia đình tại ngôi nhà nơi sinh ra Nhật Lai - Nguyễn Mỹ (thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Tư liệu gia đình Nhật Lai - Nguyễn Mỹ

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Mỹ không chỉ có “Cuộc chia ly màu đỏ”, mà còn nhiều bài thơ mang xu hướng cách tân mãnh liệt, cùng với nhiều bút ký chiến trường đặc sắc. Giống như người anh tài ba Nhật Lai, Nguyễn Mỹ đã sáng tạo đến hơi thở cuối cùng trong hành trình “lang bạt” của mình, như câu thơ ông viết: “Anh lang bạt đi tìm anh từ dạo ấy/ Ở trong đất và ở trong máu chảy”…

Hùng Phiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.