Multimedia Đọc Báo in

Danh sĩ Phạm Phú Thứ và những tác phẩm đồ sộ

11:00, 07/07/2024

Phạm Phú Thứ (1821 – 1882) là một vị quan thanh liêm, chính trực, có tài kinh bang tế thế, từng giữ nhiều trọng trách quan trọng dưới triều vua Tự Đức.

Ông sớm có tư tưởng canh tân, có tư duy thời đại sâu sắc, có tài quan sát tinh tường và nổi tiếng văn tài với cảm xúc dạt dào, ngôn ngữ phong phú. Những tác phẩm mà ông để lại là di sản văn thơ đồ sộ, phong phú và mang tính lịch sử, khoa học, nghệ thuật cao...

Nổi bật nhất trong các tác phẩm của Phạm Phú Thứ có lẽ là “Giá viên toàn tập”. Đây là tuyển tập tác phẩm đồ sộ với thời gian sáng tác kéo dài hơn 45 năm, rất phong phú về thể loại và đa dạng về đề tài thể hiện. “Giá viên toàn tập” gồm có 27 quyển: 1 quyển thủ, 13 quyển thơ và 13 quyển văn với 319.259 chữ. Bộ sách được khắc in và hoàn tất vào năm 1895 - 1897 dưới triều vua Thành Thái, do người cháu của Phạm Phú Thứ là Đình thư Phạm Phú Lâm thực hiện.

Chân dung Phạm Phú Thứ lúc đi sứ sang Pháp. Ảnh tư liệu

Kế đến phải kể đến bộ “Giá viên biệt lục” (tức “Tây hành nhật ký”), gồm 3 quyển với 60.000 chữ. “Giá viên biệt lục” do Phan Thanh Giản (Tiến sĩ, Hiệp biện Đại học sĩ) làm Chánh sứ; Phạm Phú Thứ (Tiến sĩ, Tham tri bộ Lại) làm Phó sứ và Ngụy Khắc Đản (Thám hoa, Án sát tỉnh Quảng Nam) làm Bồi sứ cùng viết. Trong đó, Phạm Phú Thứ giữ vai trò Biệt lục, tức là sưu tập, chỉnh lý, bổ sung, biên tập để hoàn chỉnh tác phẩm.

Tác phẩm ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy trong chuyến đi sứ hơn 9 tháng (từ tháng 6/1863 - 3/1864) qua bao nhiêu vùng đất với rất nhiều điều mới lạ về đất đai, thổ nhưỡng, phong tục tập quán, đời sống, văn hóa, kinh tế, khoa học - kỹ thuật...

Qua những ghi chép trong “Giá viên biệt lục”, có thể biết cặn kẽ từng nơi sứ bộ triều Nguyễn đã đến và hiểu được rằng phái bộ đến đó ngoài việc thực thi nhiệm vụ nặng nề được triều đình giao phó, còn tìm hiểu những cái hay, cái lạ, cái mới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật... để khi có điều kiện sẽ đưa vào vận dụng tại nước nhà nhằm đưa đất nước tự cường và tiến theo xu hướng phát triển chung của thế giới.

Ngoài hai bộ tác phẩm đồ sộ kể trên, Phạm Phú Thứ còn có những tác phẩm về sử, cụ thể như “Liệt triều thông hệ niên phả toản yếu” hoặc “Bắc Quốc lịch triều thông hệ niên thứ” gồm 10 quyển được ông viết lúc ở Nội các và “Bản triều liệt thánh sự lược toát yếu” được ông viết lúc về quê dưỡng bệnh.

Bên cạnh đó, Phạm Phú Thứ còn có những tác phẩm về thơ, văn được viết trong các sách như “Chư danh gia thi”, “Dã sử”, “Danh nhân thi tập”, “Hoàng triều văn tập”, “Nam Giao nhạc chuông”, “Nguyễn Trường Tộ điều trần tập”, “Quốc triều thi thái”, “Quốc triều văn quyển”, “Tập mỹ thi văn”, “Tây phù thi thảo phụ chư danh gia thi”, “Thi thảo tạp biên”, “Trúc Đường thuật cổ thi tập”.

Những sách viết về khoa học – kỹ thuật phương Tây do Phạm Phú Thứ đề tựa và xuất bản như: “Bác vật tân biên” gồm có 3 tập trong đó đề cập đến nhiệt, nước, ánh sáng, điện, các thể khí (tập 1); đề cập đến mặt trời, sao chổi, quả đất, kinh tuyến, vĩ tuyến, các đại châu và đại dương (tập 2); đề cập đến các giống cầm thú trên mặt địa cầu (tập 3).

Tất cả các phần đều có hình vẽ kèm theo. “Hàng hải kim châm”, gồm 3 quyển kèm theo 19 hình vẽ, viết về những tri thức cần có đối với người đi biển: nguồn gốc của gió bão, cách quan sát triệu chứng của bão, cách tìm phương hướng, cách tránh bão; những tri thức chung về địa cầu, cách xác định vị trí của tàu trên mặt biển, cách dự đoán thời tiết, cách dự tính đường tàu biển, cách dùng la bàn...

Hay tác phẩm “Khai môi yếu pháp” gồm 12 quyển nội dung nói về phương pháp thăm dò và khai thác than đá, có hình vẽ mô tả mẫu than đá và cách khai thác than; “Vạn quốc công pháp” gồm 4 quyển nội dung nói về Luật lệ quốc tế về quyền tự trị, quyền tự nhiên, quyền chế định pháp luật, quyền bình đẳng, quyền sở hữu, vấn đề thông sứ, vấn đề lập các khoản điều ước, vấn đề chiến tranh, vấn đề hòa bình...

Với hàng trăm tư liệu chính trị, lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng, xác đáng và chân thực, chất chứa tư tưởng cải cách, canh tân sâu sắc về đủ mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ, ngoại giao... cho thấy sự nổi trội trong nhận thức và sự đóng góp tư duy thời đại sâu sắc của Phạm Phú Thứ.

Từ những tác phẩm này, có thể khai thác được nhiều sử liệu quý giá để làm sáng tỏ thêm một giai đoạn lịch sử đầy biến động trên mọi phương diện của nước nhà. So sánh trong mối quan hệ giữa các nhà cải cách cùng thời với Phạm Phú Thứ có thể thấy rõ nét đặc thù riêng của nhà lập ngôn xứ Quảng - vốn được coi là vùng đất có truyền thống về tư tưởng duy tân.

Và quả thực, lịch sử đã chứng minh tư tưởng duy tân ấy được tiếp nối từ Phạm Phú Thứ đến phong trào Duy tân của các chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và rồi từ xứ Quảng lan ra cả nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc vào đầu thế kỷ 20 và cả trong công cuộc đổi mới và hội nhập thế giới hiện nay.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.