Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo: Phục dựng Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền 

13:13, 14/07/2024

Từ ngày 5 - 15/7, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea H’leo tổ chức phục dựng Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền.

Chương trình được thực hiện với các nội dung như điền dã, khảo sát, phục dựng Lễ Cấp sắc… tại thôn 7A (xã Ea Hiao).

Đây là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thành các nội dung Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. 

Người dân thôn 7A (xã Ea Hiao) tham gia chương trình phục dựng.

Lễ Cấp sắc là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông ở tất cả các ngành dân tộc Dao. Mỗi ngành dân tộc Dao đều có không gian hành lễ, mang đặc trưng riêng.

Trong Lễ Cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao Tiền được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên. 

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Quá tang nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ việc thắp đèn soi sáng người thụ lễ khi làm lễ cấp sắc. 

Một nghi lễ trong Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền ở thôn 7A (xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo).

Ngoài ra, lễ này còn có các tên gọi khác như: say cháy, chay thầy xấy hay phùn voòng có nghĩa là soi đèn hay thụ đèn; tạt phat búa (lễ đặt pháp danh) hay chấu đàng (lễ cúng ông tổ người Dao); tẩu sai (lễ cấp chứng chỉ để làm thầy cúng)…

Lễ Cấp sắc thường tổ chức cho con trai từ 13 tuổi trở lên và thực hiện vào thời gian nông nhàn. Để chuẩn bị lễ này, gia đình phải nuôi lợn, tích lương thực, thực phẩm và các thứ khác để làm lễ và cỗ mời bà con, họ hàng...

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.