Lời chiêng ngân dài phố thị
Dưới rì rào tán rừng lá kim là không gian của những điệu khúc đại ngàn quánh lại rồi bung loang khoáng hoạt. Triền đồi nâng niu những “vỉa” văn hóa các sắc tộc Nam Tây Nguyên (K’Ho, Mạ, Churu) làm thỏa mãn hàng nghìn lượt du khách Việt Nam và quốc tế trong những ngày Tuần lễ Vàng du lịch Lâm Đồng 2024…
Lần đầu tiên Tuần lễ Vàng du lịch Lâm Đồng có chương trình văn hóa các dân tộc thiểu số. Hoạt động vừa bảo tồn và quảng bá, vừa là sản phẩm du lịch tinh chất, đặc sắc, chân thực và khu biệt.
Chương trình tái hiện những nghi lễ đặc sắc như “Cầu mưa” (nhô dơng) của người Mạ, “Mừng lúa mới” (nhô r’he) của người K’Ho và “Bắt chồng” của người Churu.
Đặc sắc bởi tính thiêng và tính riêng của mỗi sắc tộc song cách thức, diễn tiến bao trùm là không gian cồng chiêng. Không gian ấy rộn ràng của giàn cồng (sàr), chiêng (cing), của trống (sơgơr), kèn (rơkèl), tù và; uyển chuyển quyến rũ của điệu xoang. Không gian ấy sặc sỡ mà đằm thắm, dung dị và nguyên sơ của những gam màu thổ cẩm và trang sức.
Và cây nêu, ngọn lửa, rượu cần cùng nhiều thức ăn lọc từ khí trời hơi đất, kết bằng tri thức dân gian. Góp nên không gian du lịch văn hóa còn là những gian hàng trưng bày rất nhiều hiện vật gần gũi, thiết thân của đời sống vùng cao, đậm dấu văn hóa nương rẫy. Đó là những nông cụ tre, gỗ, kim loại; những chóe sành cổ nhiều kích cỡ và hoa văn, màu sắc; những công cụ làm thổ cẩm hay săn bắt…
Chiêng, trống và kèn hòa âm. |
Lễ “Mừng lúa mới” diễn ra sau mùa thu hoạch để cảm ơn các vị thần phù hộ cho người dân một mùa màng ấm no. Sau khi lúa đã đưa về kho, lễ tổ chức ba ngày đêm, cúng to hay nhỏ tùy thuộc gia đình. Lễ cúng gồm cây nêu, mô hình nhà kho, con gà trống, chóe rượu cần, đọt cây mây, thịt hun khói, cơm trắng, gừng, gạo, lúa, muối… Già làng khấn Yàng, gia đình mời tất cả các thần linh về chứng giám. Sau khi kết thúc vai trò chủ lễ, già làng K’Brèm không giấu được niềm vui: “Được tổ chức thể hiện văn hóa của đồng bào Mạ mình, tôi vui lắm, mong muốn duy trì để không mất đi văn hóa của đồng bào mà còn nhiều người mọi nơi biết nữa”.
Hòa vào điệu xoang và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào K’Ho tại lễ “Mừng lúa mới” có đoàn du khách Hàn Quốc. Ai cũng vô cùng thích thú khi được trải nghiệm. Ông Kim Seong Yul nói: “Thật là thú vị khi tôi được hiểu về văn hóa ở Tây Nguyên, nó rất đặc biệt”. Bà Choi Jongeun thì rất ấn tượng và nói sẽ giới thiệu cho bạn bè ở Hàn Quốc đến thưởng thức.
Du khách thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng. |
Nghệ nhân Ưu tú Touneh Ma Bio cùng bà con buôn Diom say sưa thả hồn trong những vũ điệu tamya, ariya, t’rumpô, păhgơnăng, đămtơra của người Churu. Vòng xoang nhịp nhàng quanh cây nêu lách cách tiếng của tua rua và mô hình biểu tượng các con vật va vào nhau trong gió. Ma Bio cất tiếng: “Chim ơi chim. Chim bay đi tìm thức ăn. Chim quay về tổ, mớm cho chim non lớn nhanh, cất tiếng vang xa giữa chốn đại ngàn này…”. Rời khỏi điệu ariya chậm đều, dìu dặt trong tiếng kèn và chiêng, đồng la, trống, người đóng vai cô dâu tham gia tái hiện lễ “Bắt chồng” Touneh Bùi Thị Hồng chia sẻ: “Tham gia tái hiện, em cảm thấy rất thú vị và rất ý nghĩa khi được những người lớn chỉ lại cho mình những văn hóa của ngày xưa. Mình cảm thấy rất hào hứng và yêu hơn những nét văn hóa của cha ông dân tộc mình”.
Không gian lễ hội văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số càng rộn ràng hân hoan khi du khách hòa với các sơn nữ nhịp nhàng uyển chuyển nối rộng vòng xoang bên ấm áp, lưu luyến lửa và khói… Tiếng cồng, chiêng, trống, kèn bầu tấu lên hòa cùng dân ca dân vũ. Mọi người cùng ăn, uống rượu cần, cùng giao duyên mừng sự no đủ và hạnh phúc... Tham gia Tuần lễ Vàng du lịch, đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên còn được học hỏi và sẻ chia, và “cái chiêng không còn đói, cái trống không còn buồn, tiếng kèn không phải lặng” nhiều ngày nữa. Dàn chiêng được trò chuyện, tâm tình và gửi gắm trong tâm thức đại ngàn… dư ba khắp phố thị trong mỗi tâm hồn lữ khách…
Minh Đạo
Ý kiến bạn đọc