Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những nghệ sĩ của núi rừng

08:36, 30/07/2024

Tôi quen chị H’Ben khi chị làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Gia Lai - Kon Tum do anh Trịnh Kim Sanh, Trưởng ty Văn hóa - Thông tin ngày ấy giới thiệu.

Chị H’Ben ở trong căn phòng tập thể của Ty Văn hóa - Thông tin, chỉ có bộ bàn ghế  mộc, một cái giường đơn có ri-đô che bằng một tấm vải thổ cẩm và một cái gùi nhỏ đựng bát đũa bên cạnh mấy cái xoong, thau, chậu và ấm chén linh tinh.

Chị bảo: Thông cảm, trường chưa có gì hết. Anh Sanh cười nói: “Sao lại chưa có gì hết? Có nghệ sĩ H’Ben, có nghệ sĩ Y Brơm là vinh dự rồi”. Tôi cũng thấy ái ngại nhưng chị bước ra cửa, hú một tiếng, có ba, bốn cô cậu học viên ôm ghita, đàn goong, đing pơng xúm đến và thế là hát. Họ hát say sưa những bài hát tiếng Bana, tiếng J’rai và cả bài tiếng Việt. Chỉ có hát và múa và rượu cần, thế là rộn rã.  Không còn phân biệt chủ khách mà tất cả cùng hòa đồng. Anh Sanh nói tiếng Bahna giới thiệu tôi cho mọi người rồi  yêu cầu tôi hát một bài tiếng Bahna, một bài tiếng J’rai. Hát những bài hát “tủ” của mình và được tán thưởng nhiệt tình khiến tôi càng phấn khích xoang luôn bài xoang “Uống rượu cần vui tươi”.

Thời chị H’Ben làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Gia Lai - Kon Tum thì anh Thịnh, chồng chị làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Anh chị nuôi cậu con trai riêng của chị là Kiên, con với boók Núp hồi trước năm 1975. Kiên bị bệnh bẩm sinh - nói năng, đi lại, ăn uống, sinh hoạt đều khó khăn, nhưng Kiên nhận biết hết mọi chuyện, nhất là tình cảm. Lần nào tôi đến thăm chơi với anh chị, Kiên cũng nhận ra tôi ngay và nói những điều cậu muốn nói mà chỉ có anh chị mới “dịch” được.

Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang biểu diễn trong chương trình đêm nhạc “Họa mi của núi rừng Tây Nguyên”. Ảnh: TTXVN

Kiên rất ngoan, có thể ngồi một mình cả ngày, nhưng khi có khách là mặt cậu sáng lên, cười vui, mũi dãi cũng vui vẻ nhểu theo. Cậu con trai chung của anh chị tên là Thăng. Thăng rất đẹp trai, cao dong dỏng, thông minh hơn người, học Nhạc viện Hà Nội, chơi violin, ghita, organ, piano đều thành thạo. Hát cũng hay, hát được cả tiếng Bahna, J’rai. Thế rồi cậu lấy vợ, có con, và tưởng rằng cậu sẽ khá lên… nhưng cuối cùng Thăng bị “con ma men” nó bắt làm tù binh, không giải cứu được. Anh Thịnh bị tai biến, một mình chị H’Ben đã ngoài 80 phải trông sóc ba người đàn ông ốm yếu, dị tật.

Vậy mà, ngoài việc bươn bả lo cơm áo gạo tiền bằng đồng lương hưu ít ỏi, chị còn dắt chồng lặn lội vào trong các làng xa xôi sưu tầm, nhặt nhạnh những bài dân ca của người Bahna, J’rai còn sót lại để bảo tồn cho mai sau. Chị H’Ben tuyệt nhiên không một lời kêu than, không một lời trách móc oán thán. Gặp chị lúc nào cũng vui vẻ, cũng phải uống cái gì đó, ăn cái gì đó, hát cái gì đó cho vui.

Những năm gần đây, mỗi khi vào Gia Lai, Kon Tum, lần nào tôi cũng đi thăm những người bạn nghệ sĩ còn ở lại nơi vùng cao này. Rồi theo thời gian, các bạn già của tôi ở Tây Nguyên lần lượt ra đi: nghệ sĩ Y Zơn, Y Brơm, họa sĩ Xu Man, nghệ sĩ - nhà nghiên cứu văn hóa Rơ Mah Tenl và cả anh Trịnh Kim Sung nữa… Nhiều lúc tự dưng tôi sững người nhớ lại những gương mặt ấy. Nhớ cái dáng lúc nào cũng khổ sở, vất vả của anh Rơ Mah Tenl; nhớ cái bóng lênh khênh, ấm áp của anh Trịnh Kim Sung; nhớ lối sống tỉ mẩn, lọ mọ và hóm hỉnh của anh Xu Man; nhớ kiểu đi như chạy và nhanh nhẹn, tháo vát, hát dân ca J’rai rất hay và uống rượu cần sôi nổi của anh Y Zơn.      

Cuộc sống vẫn cứ trôi đi, rồi cũng sẽ đến lượt mình. Các bạn già nghệ sĩ của tôi ở trên ấy, giờ còn anh Nay Pha người đem đàn t’rưng ra giới thiệu cho bạn bè khắp thế giới nay cũng đã ngoài tám mươi. Nghệ sĩ Ưu tú ngành múa tài hoa Xuân La đã nghỉ hưu. Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phieang, con chim sơn ca của núi rừng Tây Nguyên, giờ vẫn còn dang đôi cánh lên với những bài ca tuyệt đẹp về xứ sở quê hương mình. Tôi cầu cho các bạn được hạnh phúc và tiếp tục cống hiến hết mình cho quê hương, xứ sở này…

Trung Trung Đỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.