Multimedia Đọc Báo in

Có người vô tư buông bỏ để đi về...

08:40, 11/08/2024

Tôi mượn ý nghĩa câu thơ của anh để tưởng nhớ về anh - nhà thơ, nhà báo Trần Chi (nguyên ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Krông Năng).

“Đêm cuối năm ngồi ngẫm lại tháng ngày qua/ Ngẫm lại buồn vui, ngọt bùi cay đắng/ Ngẫm lại những yêu thương, hờn giận/ Ngẫm lại đời qua bao cuộc khóc cười/ Sấp ngửa cuộc đời, sấp ngửa tôi/ Chợt nuối tiếc một thời nông nổi/ Vô tư buông những năm tháng đi về…”.

Và nay, anh đã thật sự buông bỏ hết để đi về miền mây trắng - những suy ngẫm về bản thân, thế cuộc mà anh đã từng trải qua và thao thức trong thơ mình, giờ đây cũng như sương khói vô thường.

Thế nhưng người đọc thơ Trần Chi thì vẫn nhớ, thậm chí luôn neo lại những tình cảm chân thành và hồn hậu mà anh đã chia sẻ, dự cảm với anh em bè bạn một thời gian khó trên vùng đất Phú Xuân, huyện Krông Năng bây giờ. Nhiều lần tôi được nghe anh chia sẻ: Những năm tháng ấy, từ thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, lớp thanh niên xung phong như anh từ TP. Huế vào đây khai phá, xây dựng vùng kinh tế mới, sống được và vượt qua mọi nghịch cảnh cũng nhờ vào rượu và thơ đó thôi. Nói vậy không quá chút nào, bởi thơ anh từng viết: “Bạn trách tôi lâu rồi sao chẳng làm thơ/ hay bụi Tây Nguyên đã phủ mờ ký ức/ Hay men rượu đã làm chai huyết mạch…”.

Cái khổ ngày ấy quả không tả xiết, nói như Trần Chi rằng, phải “mượn câu thơ mà đứng dậy” - tâm thế ấy, không những để cho anh và bạn bè cùng trang lứa như Trần Văn Hội, Trần Văn Tương, Quách Thành (đều đã thanh thản nằm lại trên quê hương mới Buôn Hồ, Krông Năng) lấy đó làm nhựa sống để làm việc và cống hiến; mà còn an ủi, vỗ về với cả cộng đồng những người chung quanh.

Nhà thơ Trần Chi đã trọn vẹn với điều đó trong những đêm “Uống rượu bên nhà mồ” (tập thơ duy nhất của anh ra mắt bạn đọc vào năm 2006): “Đêm trên nhà mồ/ Ngồi bên người đã khuất/ Không gian chia làm hai vùng/ Lạnh ngắt - xốn xang/ Chiếc cần rượu bắt ngang như chiếc cầu vồng bảy sắc/ Như nối hai đầu âm - dương/ Amí ơi hãy uống chung cần rượu yêu thương/ Dẫu cái chết đã ngăn cách làm hai nửa/ Đêm có còn dài con đốt bùng lên ngọn lửa/ Mà trầm ngâm nhìn ánh lửa thâu đêm/ Ơi nhịp cần rung theo từng cơn gió thổi ngang/ Đêm trên nhà mồ khơi dậy quãng đời gian khổ/ Qua chín núi mười khe sau lưng còn đỏ lửa/ Cực còn chạy theo bóng Amí in dài…”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, vợ anh cũng thấm đẫm với tình cảm ấy, nên khi nhà thơ Trần Chi mở lời xin “tài trợ” để in tập thơ “Uống rượu bên nhà mồ” thì chị đồng ý ngay. Nói như nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong, bạn anh: Tập thơ là di sản tinh thần đặc sắc của Trần Chi. Uống rượu, làm thơ như rút gan ruột của mình ra trang trải với người người, với đời - và đó cũng là một cách sống, một tuyên ngôn của Trần thi sĩ vậy!

“Ở trọ trần gian” 67 năm (1958 – 2024), tròn 20 tuổi Trần Chi theo Đoàn thanh niên xung phong lên Buôn Hồ - Krông Năng mở đất, lập làng và uống rượu, làm thơ từ đó. Trong nhiều thi phẩm của mình, không ít lần anh giã biệt bạn bè, anh em bằng những câu thơ chếnh choáng, nhưng thấm đẫm tình yêu đời và tình thân ái: “Hùng ơi!/ Thắp cho mi một nén nhang, điếu thuốc/ Rồi vác mặt nhìn trời thơ thẩn/ Có con chim nào tha niềm vui làm tổ/ Mi chỉ còn như tiếng độc huyền cầm đêm vọng tiếng cô liêu/ Thôi đừng trách cuộc đời sao nghiệt ngã/ Gió xô nghiêng bạc nửa mái đầu/ Thôi đừng trách chén rượu nồng sao nhạt/ Uống vào rồi mộng mị hóa chiêm bao” (Chiều cuối năm viếng bạn).

Tôi nghĩ, Trần Chi viết những câu thơ viếng bạn mà như lời điếu cho mình. Thành ra, tôi cũng như bạn bè, anh em của Trần thi sĩ không phải viết thêm gì nữa, chỉ cần thay ngôi/từ nhân xưng và đọc lên một cách hào sảng bài thơ trên để tưởng nhớ.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc