Multimedia Đọc Báo in

Thời gian và tôi - còn mãi cung điệu người tình thủy chung

12:35, 18/08/2024

Lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Hà Vũ Giang Châu qua tập thơ "Điệu người tình không trái tim" (Nxb Nhận Thức, năm 1971), dù trước đó anh đã từng ra mắt 3 tác phẩm khác.

Ngày ấy, mới vừa làm quen với văn học, thi ca, khi cầm trên tay tập thơ ấy, tôi thật ấn tượng bởi: cái tựa sách vang lên cung điệu du dương, mộng mị khá lạ lùng – bìa và phụ bản là các bức họa của Hoàng Đăng Nhuận thấp thoáng những ý tưởng vừa triết học, siêu hình, vừa lãng mạn – lại thêm mấy dòng cảm từ ở bìa sau: “Hà Vũ Giang Châu không thể khước từ tình yêu dẫu tình yêu trong thơ anh vốn ươm đầy bóng tối. Bóng tối như một cô đơn thân thiết cho kẻ sáng tạo. Hà Vũ Giang Châu, một nhân chứng cho những tình yêu mù lòa, những tình yêu khổ lụy” (Hoàng Uyên Phương)". Từ đó, họ Hà trở thành là một trong những tác giả mà tôi chú ý theo dõi cho đến suốt nhiều thập niên dài về sau với nhiều tình cảm mến yêu.

 

Là người con xứ Quảng, thời trẻ Hà Vũ Giang Châu theo học đại học tại Huế, nên chúng ta không ngạc nhiên khi thiên nhiên, phong cảnh và con người của hai miền đất quê hương này thường xuyên bàng bạc trong thơ anh. Có lẽ từ những chuyến xe tắc-xông đi lại ngang qua đỉnh Hải Vân, anh viết: Ở đây ngày lại qua ngày/ Ta nghe bấc lụn và mây bạc đầu/ Tiếng chim trong lá ngàn sâu/ Xanh cây rừng núi như màu mắt em (Trên đỉnh đèo Hải Vân). Giữa những chùa chiền bí ẩn của đất thần kinh là dòng cảm xúc: Bóng mờ quá khứ/ vàng son vàng son/ nhìn chùa tư lự/ thương cọng rêu con/ Lối cũ hao mòn/ đất đá vin cây/ khói thay nhang đèn/ bóng tà dương giục/ hồn vạn kiếp đây (Chùa Linh Tự). Và khi trở lại quê nhà: Năm mươi năm về Hội An/ Phố hoài kỷ niệm/ Với nàng năm xưa/ Về đây tìm lại chút mưa/ Bao nhiêu nhung nhớ/ Sao chưa thấy về… (Hội An, ngày chúng ta trở lại).

Điều đáng chú ý, tính từ tập thơ đầu tiên của Hà Vũ Giang Châu là "Lời ru quê hương" (1966) đến tập thơ mới nhất "Thời gian và tôi" (2022), đã gần 60 năm họ Hà đeo đuổi nghiệp thơ ca, mặc cho bao nhiêu vật đổi sao dời, xáo trộn cuộc sống nhưng dường như thơ anh vẫn nguyên vẹn một chân dung tươi trẻ, thủy chung của một tâm hồn nhạy cảm, chừng không thể lẩn tránh, chia xa: Bạn bè chừ cũng dăm người/ Cho nhau cung điệu ru người không tim/ Riêng ta cũng liệu lặng im/ Bởi trong nghiệp chướng nổi, chìm phải vương” (Nghiệp chướng).

Phiêu lãng, rong chơi trong thế giới thi ca Hà Vũ Giang Châu, chúng ta dễ dàng nhận ra, đôi lúc tâm hồn người thi sĩ đa tình ấy quá mỏng manh, nhẹ nhàng trong trẻo: Em về tóc bím hai hàng/ Chiều nghiêng bãi nắng cánh vàng lên cây/ Và trong tuổi mộng thơ ngây/ Đường sang sông nước vơi đầy phân vân” (Bài cho tuổi vừa lớn), nhưng đôi lúc cũng đầy bấp bênh, cay đắng, tuyệt cùng: Mùa xuân đi qua/ em ngồi se tóc/ mùa xuân chia xa/ ta nhìn em khóc/ mùa xuân mơ mộng/ em giờ trong khung/ ô hay hư không/ mùa xuân tiêu tùng (Xuân xa).

Tôi thật tâm đắc với những lời cảm nhận của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm viết về Hà Vũ Giang Châu: “Thơ anh bao giờ cũng thuần khiết và mộc mạc trên cái hóa thân chân thành thuần cảm, phối ngẫu với thần thái phiêu bạt của thơ, đưa dấu chân anh ấn sâu vào một thiên địa mang mang. Hoàn toàn và tuyệt đối với thơ, nên những cảm xúc trước những cảnh quan của từng vùng đất quê hương, thơ anh dàn trải thật chân thành, không ẩn hiện một sự biện bạch văn hoa và hư ảo. Vì vậy, với Hà Vũ Giang Châu cái tâm đã bước qua địa hạt nghệ thuật, dàn trải cho nghiệp chướng mà anh đang gồng gánh bên thơ, nhẹ bước đi phần nào, với những tư duy đầy ắp tính nhân bản. Ngôn ngữ đời thường là một đặc điểm chính yếu được toát lên thật ngay thẳng và mỹ thuật, người ta ít thấy những sáo ngữ pha tạp trong từng câu thơ hay từng chữ trong thơ anh”.

Trở lại với "Thời gian và tôi" -  tập thơ mới nhất của Hà Vũ Giang Châu, có lẽ đây là tuyển tập chọn lọc bao gồm những bài thơ tâm đắc nhất của tác giả từ trước đến nay. Toàn bộ tác phẩm đều kèm theo bản dịch tiếng Anh, đồng thời phụ lục là nhiều bài thơ phổ nhạc, thư pháp, tranh, tượng chân dung... Tuy nhiên, tôi nghĩ, chưa hẳn Hà Vũ Giang Châu chịu dừng chân, gác bút nghỉ ngơi, như một lần nào đó, giữa dòng đời bận rộn, khi gặp gỡ nhóm bạn hữu ở một quán rượu ven đường tại quê nhà Đà Nẵng, anh không ngần ngại gác bỏ thời gian ngồi lại đọc sang sảng mấy câu thơ: “Gối đầu trên cát nhìn sao/ Nghe trăm con sóng rạt rào bên tai/ Nếu đời đừng có ngày mai/ Thì ta làm sóng vỗ hoài ngàn năm” (Khuya nghe sóng biển). Vâng, bởi cuộc đời luôn còn có ngày mai, nên nguồn thi hứng của họ Hà chắc hẳn vẫn không ngớt trăn trở, ngóng về con sóng ngàn năm…

      Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc