Về Vạn Xuân nhớ Bác Hồ
Xã Vạn Xuân (Tam Nông, Phú Thọ), nơi có Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu giữ nhiều tư liệu về Bác trong những năm tháng Người dừng chân và làm việc.
Ông Hoàng Văn Vinh, Trưởng thôn khu 12, người trông coi, quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, xã Vạn Xuân trước đây có tên là Cổ Tiết. Nơi đây gắn với quãng thời gian Bác Hồ dừng chân và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Khu lưu niệm rộng 2.780 m2 bao gồm các công trình như cổng chào, nhà lưu niệm, căn nhà cụ Hoàng Văn Nguyện - nơi Bác Hồ ở từ ngày 4/3 - 17/3/1947 trên đường lên căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Nhà lưu niệm được khởi công xây dựng vào năm 1994, đến năm 1995 được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở chính giữa nhà lưu niệm. |
Theo tư liệu lịch sử, đêm 19, rạng sáng 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 4/3/1947, Người rời tỉnh Hà Tây lên đất Phú Thọ trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc. Nơi đầu tiên Bác đến tỉnh Phú Thọ là xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông. Tại Cổ Tiết, Bác đã ở hai gia đình thuộc hai xóm là xóm Ghềnh (Ba Triệu) và xóm Đồi. Trong những ngày lưu lại đây, Bác đã dành thời gian đọc lịch sử Việt Nam (cuốn Việt Nam sử lược), nghiên cứu cách đánh giặc của các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...
Thời gian ở Cổ Tiết, Bác đã dùng bí danh là “Xuân”. Trong các công văn, giấy tờ gửi cho Bác lúc này đều ghi ngoài phong bì là “Kính gửi đồng chí Xuân”. Tuy lưu lại Vạn Xuân trong thời gian không lâu nhưng Bác Hồ đã làm việc với một khối lượng công việc khá lớn và hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Bác đã biên soạn nhiều văn kiện, sắc lệnh, thư điện quan trọng như Thư gửi “Đồng bào toàn quốc” sau trận giặc Pháp tấn công các khu vực xung quanh Hà Nội; Thư gửi “Đồng bào hậu phương” nhắc mọi người giúp đỡ đồng bào tản cư đến địa phương mình; Thư gửi “Quốc hội và nhân dân Pháp”, trình bày sự thật về vấn đề Việt Nam nhân dịp Quốc hội Pháp sắp họp thảo luận về Việt Nam; ký Sắc lệnh số 29/SL gồm 10 chương, 187 khoản, quy định mối quan hệ giữa chủ (người Việt Nam hay người nước ngoài) với công nhân Việt Nam tại các nhà máy, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do…
Một dấu ấn khó phai nhạt trong tâm trí người dân Vạn Xuân và đồng bào là trong thời gian làm việc ở đây, Bác Hồ đặt tên cho các đồng chí phục vụ, cận vệ từng người theo thứ tự “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi”. Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục nên nhân dân Vạn Xuân đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cán bộ và cơ quan Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối an toàn trong suốt thời gian Người đến ở và làm việc tại địa phương.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Xuân mở cửa hằng ngày đón nhân dân đến thăm. |
Vẫn còn đây chiếc giường gỗ mộc mạc bên gian buồng của căn nhà gỗ nơi Bác Hồ nằm nghỉ trong những ngày tháng ở Vạn Xuân. Dưới gốc cây thị cổ thụ tỏa bóng mát là nơi Bác tập thể dục mỗi buổi sáng. Ban thờ Bác được bài trí trang trọng thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với Người. Trong không gian ngôi nhà, những tư liệu về các tác phẩm của Bác hoàn thành trong những ngày Người dừng chân nơi đây được lưu giữ, trưng bày.
Trải qua thời gian, những hình ảnh, tư liệu quý giá, thiêng liêng về Bác Hồ vẫn còn được lưu giữ trang trọng nơi đây. Về thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Vạn Xuân, mỗi người dân Việt Nam trào dâng lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc