Multimedia Đọc Báo in

Y Điêng cây đại thụ văn hóa Tây Nguyên

08:32, 28/08/2024

Nhà văn Y Điêng là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết, người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt.

Ông cũng là nhà văn người Êđê đầu tiên vào Hội Nhà văn Việt Nam, được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật...

Cây kơnia 96 mùa rẫy

Nhà văn Y Điêng hiện đã 96 tuổi, đang sống tại buôn Giành, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Sức đã yếu, nghe không còn rõ, nhà văn nay chỉ có thể giao tiếp bằng bút đàm.

Cách đây mấy năm, tôi có lên thăm Y Điêng khi ông vừa chuyển nhà đến buôn Giành. Ngôi nhà của ông một nửa xây xi măng, một nửa nhà sàn Êđê. Bà Nguyễn Thị Lưu (vợ nhà văn Y Điêng) cho hay, ngôi nhà sàn này cất theo ước muốn của ông; nhà có bề ngang 3,5 m, dài 6 m. Y Điêng tỏ ra rất ưng ý, ánh mắt cười nhiều hơn mỗi khi lên xuống mẫu nhà của dân tộc mình, của riêng mình.

Bà Lưu cho biết: “Cách đây mấy năm, ông bị tai biến, mắt yếu nhiều, sức nghe đã lãng. Ổng tự động bỏ rượu đã được vài năm. Thầy thuốc bảo, ông phải tránh cảm xúc vui buồn đột ngột”. Thế nhưng điều này thật khó cho một tính cách phóng túng, chất nặng suy tư như Y Điêng. Bằng chứng, vẫn dày lên từng chồng bản thảo viết tay những cuốn sách ăm ắp hơi thở núi rừng…

Nhà văn Y Điêng bên bàn viết.

Ông nhấp nháy kéo tôi lên sàn để khoe mấy tập sách sắp in, mấy tập còn dang dở. Đó là tập “Truyện cổ Tây Nguyên”, “Những chuyện về hổ Sông Hinh”, tập truyện ngắn và ký “Người mẹ”… Đặc biệt, bản thảo trên 600 trang tập tạp văn “Nghe, thấy, nghĩ và viết” với ba phần kể theo thời gian đời ông: “Thời thơ ấu”, “Năm tháng làm công tác cách mạng” và “Hoạt động sáng tác văn học”.

“Báo cho cháu mừng, hai tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước của chú đã được NXB Đà Nẵng in lại. Đó là hai tiểu thuyết “Chuyện trên bờ sông Hinh” và “Hờ Giang”. Nay mình dùng bút lông cho chữ to, dễ nhìn. Nhưng tốn giấy lắm à! Cứ túc tắc viết thôi, chẳng biết có còn kịp in…”, ông nói, vui đó rồi chuyển ngay đăm đắm trong dòng suy tưởng.

Gần đây, không thể đi lại nhiều nên ngoài thời gian viết lách, Y Điêng xoay sang chơi với những viên đá cuội nhặt từ lòng suối quê hương. “Đây là mô hình những cô gái Êđê lên rẫy. Đây là hình ảnh người dũng sĩ Tây Nguyên. Đây là cảnh bà con buôn làng đang họp bàn xây dựng nông thôn mới…”, ông hồn nhiên giới thiệu mấy cái khay có nhiều viên đá gắn xi măng lớn nhỏ, đặt phía sau bàn viết.

Sinh ra ở miền núi Phú Yên, đi học ở Đắk Lắk, rồi Y Điêng tham gia kháng chiến chống Pháp, trở thành đảng viên chính thức năm 1950. Sau khi tập kết ra Bắc, ông học nghiệp vụ tại Việt Bắc rồi về Hà Nội làm cảnh sát bảo vệ ở khu vực Cửa Nam. Năm 1958, ông học bổ túc văn hóa, tốt nghiệp ông trở thành phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó ông trở lại miền Nam hoạt động cách mạng. Cuối đời, đại thụ văn hóa Y Điêng còn lại với Tây Nguyên như một cõi đi về…

Người Êđê đầu tiên làm văn học viết

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên nhìn nhận: “Trước 1954, Y Điêng là một trong số rất ít người Êđê được học hành căn bản, biết chữ Pháp nên ông có trình độ để tham gia nghiên cứu, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Cuối những năm 1950, chính ông cùng với một số cán bộ Tây Nguyên tập kết ra miền Bắc như Y Yung, K’so Bơliêu và Ngọc Anh đã tập hợp, dịch và công bố tập sách “Trường ca Tây Nguyên” với 7 tác phẩm sử thi tiêu biểu. Tập sách này ra đời đã khiến nhiều người ngạc nhiên trước vẻ đẹp bất ngờ của sử thi Tây Nguyên”.

Nhà văn Y Điêng (bên trái) giới thiệu về bộ sưu tập đá cảnh.

Theo nhà văn Linh Nga Niê Kdăm, Y Điêng là người viết văn thuộc thế hệ thứ nhất ở Tây Nguyên. Ông là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết, người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt. Y Điêng cũng là nhà văn người Êđê đầu tiên vào Hội Nhà văn Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Sức sáng tạo của cây bút tiêu biểu cho Tây Nguyên này, cả về số lượng vẫn chất lượng, hiện vẫn khó có tác giả nào ở khu vực này theo kịp.

Mấy mươi năm gần đây, nhà văn Y Điêng có thêm niềm vui khi giúp cho Đài Truyền thanh - Truyền hình Sông Hinh, rồi Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên đào tạo biên dịch, dàn dựng lên sóng các chương trình thời sự - văn nghệ tiếng Êđê. Nhà văn, nhà báo Phan Xuân Luật, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên cảm kích: “Bác Y Điêng biết tiếng Pháp, Lào, giỏi tiếng đồng bào Ba Na, J’rai, Tày… Riêng tiếng Êđê thì ông đắm đuối, không chỉ viết truyện bằng song ngữ Êđê - Việt, mà ông còn “muốn cái tiếng Êđê của mình vang xa”. Mỗi khi anh em cậy nhờ là ông sẵn sàng giúp đỡ, bất kể sức khỏe tuổi tác. Y Điêng là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1962 và vẫn chưa ngừng viết báo. Cái tâm chuyên chú với nghiệp đời, nghiệp chữ đã tạc nên một giá trị nhân văn Y Điêng, một tự hào Tây Nguyên”.

Nhà văn Y Điêng tên thật là Y Điêng Kpă Hôp, sinh ngày 15/2/1928, tại buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, Phú Yên. Ông đã xuất bản trên 10 đầu sách văn xuôi và thơ như: Ông già Kơ Rao; Hơ Giang; Drai Hling đi về phía sáng; Như cánh chim Kway; Chuyện trên bờ Sông Hinh; Sông Hinh, con sông quê hương; Thơ tình Y Điêng… Y Điêng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Hùng Phiên        


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.