Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số: “Đánh thức” giá trị truyền thống (Kỳ 2)

11:13, 28/09/2024

Kỳ 2: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Với niềm đam mê và nhiệt huyết, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang góp sức phát huy, gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế.

Người đi tìm họa tiết thổ cẩm M’nông

Là người con của buôn làng M’nông tại huyện Lắk, bà H’Kim Hoa Byă, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy luôn đau đáu tìm lại tinh hoa nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Yêu đến mức “nghiện”, nhiều năm qua bà H’Kim Hoa rong ruổi khắp các buôn làng, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với mong muốn hồi sinh, lưu giữ thổ cẩm M’nông. Điểm đầu tiên bà lựa chọn để tìm không gian cho thổ cẩm Tây Nguyên là thác Dray Nu, thuộc xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) - nơi được ví là ngọn thác huyền thoại bên dòng Sêrêpốk; tuy nhiên, việc tìm nghệ nhân để trao truyền nghề dệt ở đây gặp nhiều trở ngại và không thực hiện được.

Không vì khó khăn mà chùn bước, những ngày nghỉ hiếm hoi cuối tuần, bà trở về huyện Lắk – nơi nhiều buôn làng, nhiều nghề truyền thống của người M’nông còn hiện hữu. May mắn, tại buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, bà gặp được một nhóm người có chung niềm đam mê và thường xuyên ngồi dệt thổ cẩm ở nhà một hộ dân, bà đã liên hệ với chính quyền địa phương cho mượn nhà cộng đồng buôn Lê để làm nơi tập hợp những chị em biết dệt thổ cẩm.

Bà H’Kim Hoa Byă (ngoài cùng bên trái) trao đổi việc bảo tồn nghề dệt truyền thống với chị em buôn Lê
Bà H’Kim Hoa Byă (ngoài cùng bên trái) trao đổi việc bảo tồn nghề dệt truyền thống với chị em buôn Lê.

Nhận thấy tất cả chị em dệt thổ cẩm ở địa phương chủ yếu dùng sợi len, chỉ phù hợp với thời tiết mùa đông mà không phù hợp với mùa hè nên bà đã liên hệ với một đầu mối chuyên cung cấp sợi tơ tằm ở tỉnh Lâm Đồng để đặt hàng. Những sản phẩm trang phục truyền thống đầu tiên như khăn choàng cổ, khăn trải bàn, chăn… được hoàn thiện bằng chất liệu tơ tằm, sợi tre và được một số khách hàng đón nhận.

Tuy nhiên, trong số các chị em tham gia nhóm dệt, không có ai biết dệt hoa văn truyền thống của đồng bào M’nông – điều này khiến bà trăn trở hơn hai năm qua. Mỗi chuyến công tác về cơ sở, bà lại nhờ người quen, đồng nghiệp và cả bà con trong buôn làng tìm giúp người còn nắm giữ bí quyết gia truyền dệt hoa văn thổ cẩm của đồng bào M’nông. Cuối tháng 7 vừa qua, may mắn đến với bà khi được một người dân địa phương dẫn đến gặp người chị H’Đen Bkrông – người duy nhất biết dệt hoa văn thổ cẩm của người M’nông tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn. Sau khi được bà thuyết phục, chị H’Đen đồng ý phối hợp hỗ trợ dạy nhóm chị em cách dệt hoa văn của đồng bào M’nông. Hơn một tháng được chị H’Đen “cầm tay, chỉ việc”, một số chị em trong nhóm dệt đã nắm được các thao tác cơ bản và đã cho ra những sản phẩm thổ cầm đầu tay có hoa văn truyền thống của người M’nông.

Bà H’Kim Hoa Byă bộc bạch, huyện Lắk trước đây từng là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm M’nông. Tuy nhiên, trước sự phát triển của các sản phẩm dệt may công nghiệp vừa rẻ vừa đa dạng mẫu mã nên đa số bà con ít sử dụng trang phục truyền thống. Kéo theo đó số người duy trì nghề dệt cũng ít dần, thậm chí một số buôn làng ở huyện Lắk cũng chỉ còn một vài người biết đến nghề dệt.

Hoa văn thổ cẩm của người M’nông được truyền dạy cho chị em phụ nữ buôn Lê
Hoa văn thổ cẩm của người M’nông được truyền dạy cho chị em phụ nữ buôn Lê.

Được biết, cùng với số tiền gom góp từ bán hoa lan và vay qua lương, hơn hai năm qua bà đã bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn để mua nguyên liệu, khung dệt và thuê nghệ nhân truyền nghề cho chị em nhóm dệt ở buôn Lê với mong muốn những trang phục truyền thống của đồng bào M’nông mãi hiện hữu ở mỗi buôn làng.

 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được tổ chức vào trung tuần tháng 8/2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh: “Các cấp ủy đảng cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế ở địa phương, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ phụ trách văn hóa ở các cấp và có những chính sách đãi ngộ đối với những nghệ nhân, nghệ sĩ”…

Bà H’Kim Hoa Byă cho hay, thời gian tới, song song với sử dụng chất liệu tơ tằm, sợi tre, bà sẽ nhập thêm chất liệu sợi đũi để nâng tầm giá trị sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Dẫu đây mới chỉ là bước đầu nhưng bà tin tưởng rằng sẽ là nền móng vững chắc để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào M’nông được duy trì và phát triển.

Bảo tồn chữ viết dân tộc

Đến xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), gặp những người Thái và hỏi ông Tống Văn Phương hầu như ai cũng biết. Họ biết đến ông không chỉ bởi sự nhiệt huyết, dày công trong việc tự tìm tòi, học hỏi mà còn cả mong muốn, kiên trì dạy chữ Thái cho người dân để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc mình.

Ông Phương cho rằng, đã là người Thái mà chỉ biết nói, không biết viết tiếng Thái là sự thiệt thòi, là có lỗi với ông cha, với dân tộc. Không biết chữ viết khiến ông dù muốn vẫn không thể tìm đến những pho sách cổ - tài sản vô giá của dân tộc Thái. Chính vì thế, hơn 10 năm trước, ông quyết tâm tự mày mò, tìm tòi từng ký tự, chữ viết trên sách báo, internet để học rồi đam mê lúc nào không hay. Mỗi ngày, sau thời gian đi làm nương, làm rẫy, khi đêm về, ông lại tranh thủ tự học hệ thống ngữ âm, ký tự chữ viết của dân tộc cho đến khi đọc thông, viết thạo.

Năm 2016, khi chính quyền địa phương đứng ra thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái và mở lớp dạy chữ viết Thái, ông cùng với hai người Thái khác sinh sống tại địa phương đứng ra đảm nhận việc truyền dạy chữ cho bà con. Đều đặn mỗi tuần ba buổi, ông cần mẫn đến lớp giảng dạy từ cách đọc, cách viết cho bà con với mong muốn được mang kiến thức mình có truyền thụ lại cho những người Thái trên quê hương mới.

 

Ông Tống Văn Phương (bên phải) giới thiệu cuốn sách phiên âm chữ viết của dân tộc do chính mình soạn
Ông Tống Văn Phương (bên phải) giới thiệu cuốn sách phiên âm chữ viết của dân tộc do chính mình soạn.

Ông Phương chia sẻ: “Để dạy cho bà con biết đọc, biết viết và hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu là một quá trình không hề đơn giản. Vì thế, sau giờ lên lớp, tôi đã mày mò tự soạn ra những bài giảng có cách phiên âm dễ đọc, dễ hiểu, nội dung gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày nhằm giúp học viên dễ dàng tiếp thu. Những năm đầu, số người tham gia lớp học khá đông, mỗi lớp có khoảng 25-30 học viên, già có, trẻ có; một số học viên sau khi kết thúc khóa học đã nói lưu loát và viết được chữ dân tộc mình”.

Những năm gần đây, lớp học phải tạm dừng nhưng bản thân ông Phương vẫn tự học hỏi qua mạng và thường xuyên đọc sách để trau dồi chữ viết Thái. Ông Phan Văn Thanh, cán bộ văn hóa xã hội xã Hòa Phú bày tỏ, dân tộc Thái là một trong số ít các dân tộc Việt Nam có chữ viết riêng, chữ viết Thái là một ngôn ngữ đặc trưng. Do đó, việc ông Phương bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc trong nhịp sống đương đại là việc làm ý nghĩa, thiết thực. Điều này không chỉ bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn gắn liền với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

(còn nữa)

Kỳ 3: Còn những "khoảng trống" !

Thúy Hồng – Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc