Đồng bào Xê Đăng ăn mừng lúa mới
Hằng năm, khoảng từ tháng 8 - 9, khi thu hoạch xong lúa nương và lúa ruộng bậc thang, đồng bào Xê Đăng sinh sống ở các xã Trà Linh, Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) lại tổ chức ăn mừng lúa mới.
Đồng bào Xê Đăng cư trú ở sườn đông và tây núi Ngọc Linh còn bảo lưu nhiều nét văn hóa mang đậm dấu ấn tộc người. Buôn làng của họ chủ yếu dựa vào các sườn đồi, lưng chừng núi cao để canh tác nương rẫy và làm ruộng nước bậc thang. Đồng bào thường chọn những sườn núi có độ dốc vừa phải, không có nhiều hốc đá và đặc biệt là gần khe suối để dẫn nước về tưới ruộng.
Dựng cây nêu trong lễ hội "ăn trâu huê" mừng mùa bội thu. |
Trước khi tổ chức ăn mừng lúa mới, dân làng sửa sang máng nước, các vật dụng để thu hoạch lúa, làm kho lúa để cất giữ lúa mới. Họ vào rừng chặt cây đót để làm cây nêu. Lễ vật cúng mừng lúa mới gồm heo, gà, rượu cần, cơm lam, thịt xông khói, thịt chuột, cá suối, tôm, cua, rau rừng... Rượu cần thường chuẩn bị hàng chục ché to, trong đó có nhiều ché được ủ lâu ngày, có hương vị thơm ngon. Đây là đồ ăn thức uống quan trọng để dâng lên thần linh, tạ ơn các đấng siêu nhiên đã cho mùa màng bội thu.
Già làng tập trung các thành viên trong gia đình để tiến hành các nghi lễ cúng lúa mới. Chủ hộ chuẩn bị những đồ vật như nong nia, gùi, nhựa chai để đốt, giỏ thóc, cối giã gạo... Đặc biệt, sợi chỉ dùng để đeo cổ tay cho từng thành viên và cầu xin hồn lúa theo người về nhà. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, già làng và các thành viên đi từ nhà đến ruộng hoặc rẫy để cúng xin lấy lúa về kho. Tới rẫy, già làng cầm cây nêu nhỏ được làm bằng cây đót để cúng. Ông đọc những câu khấn tạ ơn thần linh, sau đó lấy sợi chỉ dẫn hồn lúa về kho.
Sau khi làm lễ, người dân sẽ tiến hành thu hoạch lúa mới. Lúa được chia thành ba gùi: một gùi để đổ vào kho, một gùi dành cho các thành viên trong gia đình ăn cơm mới, một gùi để mời khách ăn mừng cùng với gia đình. Chủ hộ chuẩn bị heo, gà để cúng, lấy huyết để đón mừng thần lúa về làng, về kho mới. Già làng cúng xong, phân công những người đàn ông trong làng làm thịt heo. Phụ nữ giã lúa mới để nấu cơm. Các thành viên trong gia đình cùng ngồi bên nhau ăn cơm mới. Tiếp đến họ sẽ mời vị khách đầu tiên đến nhà ăn mừng cơm mới.
Những hạt lúa mới được đổ vào kho để bảo quản. |
Vào những năm được mùa, bội thu, đồng bào Xê Đăng thường tổ chức “ăn trâu huê”. Nếu lễ mừng lúa mới “quy mô nhỏ” thường diễn ra trong vài ngày thì lễ ăn trâu huê mừng mùa có thể kéo dài đến 9 ngày. Ngoài con trâu, vật hiến tế cho các vị thần linh, chủ nhà còn chuẩn bị gà, heo, rượu cần, trầu, thuốc, cơm gạo tẻ, cơm gạo nếp để gói bánh sừng trâu và làm cơm lam, các sản vật khác từ rừng, sông suối. Đặc biệt, cây nêu (prá) là một thành phần quan trọng nhất của lễ hội ăn trâu huê bởi cây nêu tượng trưng cho cây lúa.
Trong lễ hội mừng mùa của đồng bào Xê Đăng, bên cạnh những nghi thức dựng cây nêu không thể thiếu đi phần phần trọng đó là điệu múa cồng chiêng truyền thống, hát ting ting, hát cheo... Một nghi lễ quan trọng nhất trong lễ mừng lúa mới là già làng và gia đình cùng nhau bỏ lúa vào kho, đóng cửa kho để giữ gìn, bảo quản. Đây là nghi thức cuối cùng, kết thúc nghi lễ ăn mừng cơm mới.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc