Multimedia Đọc Báo in

Khai thác dư địa các ngành công nghiệp văn hóa

08:25, 08/09/2024

Các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia.

Tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã thành công và có những bước tiến trong ngành công nghiệp này. Những bộ phim dài tập của Hàn Quốc thu hút lượng đông người xem, trong đó có khán giả Việt. Điện ảnh Hàn Quốc không đơn thuần là ngành kinh doanh giải trí mà du lịch, âm nhạc, thời trang cũng được tích hợp quảng bá, điều hướng, tạo thành trào lưu (hot trend) cả trong và ngoài nước.

Năm 2023, nhóm nhạc nữ BlackPink của Hàn Quốc đến Việt Nam biểu diễn, hàng trăm nghìn người đổ xô và xếp hàng mua vé. Chỉ với hai đêm diễn, BlackPink đã thu hút 67.443 khán giả và có doanh thu hơn 333,4 tỷ đồng; Hà Nội đạt tổng thu từ du khách khoảng 630 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về các nội dung kinh tế - xã hội, một vị đại biểu Quốc hội đã bình luận: Với 13 triệu USD thu được, hai đêm diễn của BlackPink đã bằng non nửa con số chúng ta phấn đấu đến năm 2030. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng đây là vấn đề đáng suy ngẫm và cũng cho thấy nguồn thu khổng lồ, dư địa cần khai thác từ các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và ngành biểu diễn nói riêng ở Việt Nam – vốn có tiềm năng, lợi thế về nhiều mặt.

Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những quan điểm của chiến lược này là các ngành công nghiệp văn hóa - bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP; đến năm 2030, đóng góp 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Văn hóa truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk là một sản phẩm du lịch độc đáo cần được đầu tư, khai thác bài bản. Ảnh: Nguyễn Gia

Cuối năm 2023, một hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được tổ chức do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Sau 7 năm triển khai chiến lược, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực; cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ; chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực; hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để...

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn những bước tiến của ngành kinh tế này, mới đây nhất, ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bám sát vào những điểm yếu, khó khăn sau 7 năm thực hiện chiến lược, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Phải có tư duy sắc bén, hành động quyết liệt, hiệu quả, biết lựa chọn tinh hoa và tạo đột phá phát triển. Chủ động rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới. Về mặt chính sách, ưu tiên ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo.

Sắc màu văn hóa tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024. Ảnh: Nguyễn Gia

Những biện pháp, điểm mốc cụ thể cũng đã được chỉ ra như giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển; trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa...; xây dựng khung chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý 2 năm 2025. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống dữ liệu trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa; liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa…

Động thái này đang được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam gia tăng giá trị kinh tế, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá văn hóa, truyền thống dân tộc.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.