Multimedia Đọc Báo in

Nghề rèn truyền thống của người Xê Đăng ở Quảng Nam

08:53, 08/09/2024

Nghề rèn đã gắn bó với tộc người Xê đăng ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) bao mùa rẫy thì không ai còn nhớ.

Chỉ biết rằng, nhờ nghề rèn, bà con có vật dụng như dao, rựa, rìu, lưỡi mác, cuốc, đồ chọc trỉa... phục vụ việc làm rẫy, đi rừng chặt cây, săn bắt, kiếm củi, bẻ măng… Lò rèn chủ yếu đỏ lửa lúc nông nhàn hay dịp đầu năm để chuẩn bị cho mùa nương, khai hoang lúa rẫy mới.

Địa bàn cư trú tộc người Xê Đăng ở huyện miền núi Nam Trà My có những quặng sắt tự nhiên chung quanh các ngọn đồi. Những quặng sắt này có hàm lượng sắt rất cao, thường ở dạng cục và dạng cát. Kỹ thuật rèn của người Xê Đăng không được ghi chép bài bản, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau. Để có một sản phẩm ưng ý, người ta phải tìm cho được sắt thép tốt, từ cách chọn than cho đến đặt bếp cũng phải có kỹ thuật.

Tuy vẫn còn khá thủ công, nhưng lò rèn của người Xê Đăng bây giờ đã được cải tiến cơ bản, kết hợp với một số vật liệu sắt, thép khác để cho ra kiểu bếp lò quay bằng tay khá đơn giản nhưng tiện dụng.

Ông Hồ Văn Dương (66 tuổi), một thợ rèn giỏi ở tại khu dân cư Tắc Vin (thôn 1, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) cho biết: Để nung được quặng sắt, phải lên rừng tìm được cây rừng có tên gọi là loăng rlinh để làm than. Chỉ với loại than từ loại cây này, lửa lò rèn mới đủ độ nóng cần thiết có thể nung chảy quặng sắt tự nhiên. Cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn một sản phẩm, phải thổi lửa sao cho sắt đỏ vừa phải, phù hợp.

Mỗi lần đập búa bao giờ cũng một tiếng nặng, một tiếng nhẹ để tạo nên sự chính xác nơi nện búa. Việc pha chế quặng được xem là phương thức bí truyền của những thợ rèn tài giỏi để tạo ra thỏi sắt chất lượng cao, chắc bền và vật dụng làm ra không bị mẻ, gãy khi sử dụng.

Thợ rèn Hồ Văn Dương với quy trình mài dũa sản phẩm.

Khi đã có những thỏi sắt ưng ý, theo truyền thống, thợ rèn Xê Đăng không được phép sử dụng than loăng rlinh nữa mà chỉ sử dụng những loại cây khác để cho nhiệt độ thấp hơn. Để cho ra thành phẩm từ thanh sắt, thép thô, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi rất nhiều công sức. Sắt, thép sau khi dùng búa tạ đập cho nhẵn ra được đưa vào lửa nung đến khi đỏ rực. Khâu này đòi hỏi thợ rèn phải có nhiều kinh nghiệm, nhìn độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa có thể nhận biết được quá trình nung đã đạt hay chưa. Tiếp đến, dùng búa đập nhiều lần tạo hình và mài thủ công từng chi tiết đến khi cho ra thành phẩm.

Ông Hồ Văn Dương chia sẻ: Trong các khâu tìm quặng, tìm củi làm than, nung quặng, đập sắt tạo hình và mài thủ công sản phẩm… thì quan trọng nhất là quy trình chế tác “nước tôi”, người Xê Đăng thường dùng mai con rùa nấu keo lại, cho sản phẩm qua lửa lần cuối rồi nhúng vào đó. Sau khi nhúng xong, người thợ mang đi mài lần cuối để hoàn chỉnh sản phẩm. “Nước tôi” già hay non ảnh hưởng đến độ sắc của dụng cụ. Ưu điểm nữa của “nước tôi” là sản phẩm rất bén và bền, khó sứt mẻ.

Theo quan niệm của đồng bào, trước mùa rèn, người Xê Đăng thường tổ chức cúng Giàng ngay tại lò. Lễ cúng Giàng thường gồm có con gà, ghè rượu và do người thợ rèn chính của làng đứng ra làm lễ. Họ lấy rượu, máu gà bôi lên chiếc đe, hòn đá mài, chiếc búa và khấn Giàng với ước nguyện người thợ rèn sẽ làm ra nhiều mẻ sắt, rèn được nhiều dao sắc, cuốc bền.

Từ trước đến nay, nghề rèn truyền thống luôn có vai trò quan trọng trong cuộc sống của đồng bào Xê Đăng huyện Nam Trà My. Ngày nay, nhu cầu sử dụng các vật dụng từ lò rèn không nhiều, thợ rèn chỉ sản xuất cầm chừng. Song, những người đàn ông Xê Đăng vẫn cố gắng giữ lửa lò rèn để giữ lại nghề truyền thống của dân tộc mình.

Nguyễn Văn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc