Thanh Bình thự - ngôi trường dạy nghệ thuật hát tuồng đầu tiên
Thanh Bình thự là trường dạy diễn viên hát tuồng (hát bội, hát bộ) quy mô cả nước đầu tiên được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Nơi đây còn có nhà thờ tổ nghề tuồng lớn nhất trên cả nước.
Nghệ thuật hát tuồng có cách gọi tên khác nhau ở các vùng miền. Từ miền Trung trở ra gọi là tuồng vì loại hình nghệ thuật xướng ca này có cách hát kéo dài liên tiếp, có khởi đầu, có hồi kết, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Do đó, nó được giới nho sinh gọi là “liên trường” (kéo dài liên tiếp) nhưng do ngôn ngữ bình dân của người địa phương mà thành “luông tuồng”, “luôn tuồng” và gọi tắt là “tuồng”.
Còn ở miền Nam gọi là “hát bội” bởi khi hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người. Đó là do chữ bội (chữ Hán) có nghĩa là mang, đeo, giắt các đồ trang sức trên người. Còn cách gọi khác là “hát bộ” vì diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn.
Sử sách ghi chép tuồng hình thành từ Bình Định rồi lan đến Phú Xuân (Huế), ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung đình Huế. Đời nhà Nguyễn, dưới thời vua Gia Long, triều đình đã tổ chức Việt Tường, đội đào tạo diễn viên tuồng. Đến triều Minh Mạng thì tuồng được hết sức quan tâm. Thanh Bình thự, trường dạy diễn viên tuồng cả nước đầu tiên được thành lập năm 1825 và Duyệt Thị đường, sân khấu tuồng hoàng cung được xây dựng năm 1826.
Thanh Bình thự được dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội tuồng Việt Tường trong cung cấm. Thanh Bình thự đặt dưới quyền điều hành của một thự trưởng, một phó quản, ba chánh phó đội, sáu quyền suất đội.
Các nghệ sĩ tôn vinh nghệ thuật tuồng tại Thanh Bình từ đường trong Tuần lễ Festival Huế 2022. |
Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Bính, tuồng là một bộ môn nghệ thuật cao đòi hỏi diễn viên phải khổ công rèn luyện, học tập. Thông thường các học viên phải được Thanh Bình thự rèn tập từ 3 - 4 năm mới được phép diễn, sau khi được chứng nhận là thành thạo vững tay nghề.
Các sân dài và rộng trước Thanh Bình thự là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập tuồng. Dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. Khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, các nghệ sĩ tuồng từ Huế tỏa đi khắp nước để tìm kế mưu sinh và để giữ nghề.
Hiện nay, Thanh Bình thự chính là Thanh Bình từ đường cùng khuôn viên xung quanh (ở kiệt 281 Chi Lăng, phường Gia Hội, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Chính giữa ngôi từ đường là bàn thờ các vị tổ nghề xướng ca của cả nước. Tại đây có bài vị Càn Cương Hầu, được tôn xưng là ông tổ nghề tuồng và hậu tổ tuồng là cụ Đào Tấn. Bên ngoài còn có hai án thờ ở hai bên tả hữu (trái phải). Trong đó, án bên tả thờ các nghệ nhân quá cố như Đào Duy Từ, người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật tuồng nước nhà.
Thanh Bình từ đường được công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 776QÐ/VH, ngày 23/6/1992 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) như sự tri ân đối với nghệ thuật sân khấu.
Nguyễn Văn Toàn
Ý kiến bạn đọc