Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục thu được hàng ngàn hiện vật tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai 

18:14, 13/09/2024

Chiều 13/9, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (lần thứ 3, năm 2024) tại thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan; các nhà nghiên cứu…

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai đã được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong các năm 2021 và 2022, đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

Các đại biểu tìm hiểu về các hiện vật thu được tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục tiến hành khai quật đợt 3 từ ngày 26/6 đến 28/7, với diện tích khai quật 20m2. Tại đây, đoàn khai quật đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2m, bên trong chứa các di tích như mộ táng, cùng nhiều di vật như: bàn mài, rìu, bôn; qua sàng đãi đã thu được hơn 1.000 hạt chuỗi bằng chất liệu thủy tinh, gần 3.000 mũi khoan và phác vật bằng các loại đá opal, jasper,silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước. 

Một số hiện vật rìu, bôn khai quật được tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Đặc điểm nổi bật của mũi khoan là được mài trau chuốt và hầu hết chưa qua sử dụng; đồ gốm khá phong phú về chủng loại gồm có các loại hình bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ khác nhau. 

Cho đến nay Thác Hai là di chỉ khảo cổ học có tầng văn hóa dày nhất ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thể hiện sự cư trú lâu dài và liên tục trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm, đồng thời đây được xem là công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá duy nhất ở Tây Nguyên cho đến thời điểm hiện nay.

Vị trí khai quật của Di chỉ khảo cổ học Thác Hai nhìn từ trên cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của di chỉ khảo cổ này, đồng thời xác định cơ sở khoa học, Bảo tàng Đắk Lắk đã đề xuất các phương án khẩn trương khai quật, thu hồi hiện vật trước khi di chỉ có nguy cơ bị xóa sổ do sạt lở dòng chảy của sông Ea H’leo.

Thạc sĩ Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk trực tiếp thực hiện khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp cho việc khai quật, cũng như bảo tồn, phát huy giá trị của di chỉ, của các hiện vật và bảo vật quốc gia bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.