Multimedia Đọc Báo in

“Một thời mãi nhớ” - những chặng đường của một nữ điệp báo

08:19, 13/10/2024

“Một thời mãi nhớ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2024) là hồi ký của Nguyễn Thị Thanh – một nữ điệp báo viên từng tham gia tấn công, phá hủy kế hoạch Phượng Hoàng của địch triển khai tại Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ.

Sách dày 120 trang, kèm theo nhiều hình ảnh tài liệu giá trị, phản ánh sinh động câu chuyện về hoạt động mạng lưới điệp báo xứ Quảng vào những năm cuối 1960 đến mùa xuân 1975.

Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1950, tại làng Thanh Châu, xã Xuyên Thanh (nay là Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ở quê, bà học đến đệ thất trường Sào Nam, Duy Xuyên thì vùng này cũng được giải phóng. Năm 1965, bà được bố trí tham gia học khóa sư phạm để đáp ứng nhu cầu địa phương. Song không lâu sau, bà tham gia cách mạng và được đào tạo chính thức thành điệp báo viên.

 Đầu tiên, bà Thanh ra Đà Nẵng đóng vai học nghề thợ uốn tóc tại đường Trưng Nữ Vương, sống trong nhà chủ, làm không lương với nhiệm vụ được giao là tìm hiểu, xây dựng cơ sở theo dõi các đối tượng tình báo, CIA…, chuyển vũ khí vào Đà Nẵng. Trong đó, bà nhận lệnh về Thanh Khê, xây dựng được một khu trưởng (tương tự chủ tịch xã bấy giờ), người này đã giúp được nhiều việc như đem tài liệu, súng đạn… vào nội thành Đà Nẵng. Kể về câu chuyện được giao thực hiện nhiệm vụ tìm và diệt một tên tình báo nguy hiểm đang hoạt động tại Đà Nẵng, bà Thanh viết: “Đó là lần đầu tôi mang vũ khí, mặc áo rộng che K54 vào người, từ trong quê Điện Thọ, đến Thanh Quýt. Khi ngang qua doanh trại của địch, tôi nhìn thấy một xe Jeep chuẩn bị nổ máy, và nhận ra là xe của Trung úy Mai và Đại úy Ngữ, tôi nở nụ cười ngỏ lời nhờ họ chở ra Đà Nẵng luôn. Trên đường đi, họ luôn chuyện trò, tán tỉnh vui vẻ. Tuy nhiên, tư thế tôi luôn sẵn sàng cảnh giác, nếu bị họ va chạm phát hiện vũ khí trong người, tôi sẽ sẵn sàng nhả đạn. Đến Đà Nẵng, họ hỏi chỗ ở của tôi, đòi vào thăm nhà, nên tôi viện mọi lý do tránh né”.

Theo đúng kế hoạch đã ấn định, bà đã nắm rõ quy trình đi lại của gã tình báo. Chiều hôm ấy, bà đã có người cơ sở chở đến đợi chờ sẵn. Trong giây phút chuẩn bị tiêu diệt tên ác ôn, dù có băn khoăn, suy nghĩ về mối hệ luỵ với vợ con của hắn sẽ ra sao, song vì nhiệm vụ, vì việc lớn, bà không thể đắn đo, phải nổ súng. Khi bị cảnh sát vây bắt, đưa về đồn tra khảo, bà một mực trả lời: “Tôi trong quê ra, chỉ nghe lệnh cấp trên báo đến, người này là ác ôn, cần phải tiêu diệt. Làm xong việc tôi về chợ Cồn ngủ, rồi về quê, chứ không biết chi thêm”.

Không lâu sau, bà Thanh (lúc này có tên là Như Huệ) bị đưa ra tòa án xử công khai. Luật sư biện hộ (do nhà cầm quyển cử), đề nghị tòa xem xét giảm án, vì cô Huệ còn nhỏ tuổi song toà vẫn tuyên án 18 năm tù. Bà kể: “Lúc đó tôi 16 tuổi, ở tù xong tôi về vẫn chỉ 34 tuổi, nên không có gì phải lo sợ, vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng được, nên tôi nói với họ, thôi chi bằng các ông cứ giam đủ tôi 20 năm đi, tôi không ân hận gì cả, nhưng chắc rằng tôi chỉ ở chừng vài năm, phần còn lại dành cho các ông ở”. Vậy là bà bị kêu án 20 năm tù.

Lần lượt trải qua các nhà tù miền Nam, tại trại giam Chí Hoà, những kỷ niệm bà Thanh ghi nhớ nhiều nhất là việc gặp bà Tâm (tức là bà Trương Mỹ Hoa, sau này là Phó Chủ tịch nước). Kể về những ngày tháng ấy, bà viết: “Trong những ngày gian khổ nơi ngục tù, chúng tôi luôn nghĩ đến việc đấu tranh để đối phó với kẻ thù, nhưng vẫn thường nhớ về cha mẹ già yếu, những người thân yêu ai còn, ai mất, con đường làng, giếng nước, bờ tre có còn nguyên vẹn, hay bom đạn Mỹ đã cày xới không còn như xưa; nhớ những người bạn năm xưa cùng chiến hào chia ngọt sẻ bùi bây giờ ra sao, càng nghĩ đến những người thân yêu trong lòng cồn cào, thổn thức. Nhất là những ngày ở chuồng cọp Côn Đảo, nghe sóng biển vỗ rì rào với đồi thông reo có đêm không ngủ được, nhất là hình ảnh của cha mẹ, những người thân yêu cứ hiện về trong tâm trí. Dĩ nhiên, sự nhớ thương nơi chôn nhau cắt rốn không ai không nhớ, nhưng vẫn tin một ngày không xa mình sẽ được về với niềm thắng lợi hân hoan, chào đón của mọi người”.

Đến ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, bà Thanh về lại Đà Nẵng được tiếp tục đào tạo… và bố trí làm nhiều công tác khác nhau. Bà lập gia đình cùng ông Lý Văn Công, cũng là cựu tù Phú Quốc, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Hải Châu, Đà Nẵng. Năm 2005, bà về hưu khi đang là Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quận Thanh Khê.

Nói về sự ra đời quyển hồi ký “Một thời mãi nhớ”, bà Thanh bộc bạch: “Tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường, yêu quê hương, yêu gia đình, ham sống, ham học hỏi, ham làm việc và luôn mang khát vọng cống hiến nhiều nhất cho xã hội đến khi mình còn có thể. Nay thời gian thấm thoát trôi qua… Nhìn lại, tuổi thanh xuân rồi cũng qua. Cuộc đời rồi cũng qua. Nhưng nếu được sống thêm một lần nữa, thì tôi cũng sẽ sống như tôi đã từng sống, từng chiến đấu…”.

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.