Multimedia Đọc Báo in

Lễ tạ ơn của người J’rai

06:56, 03/11/2024

Lễ tạ ơn (tiếng J’rai là Tợ Gũ Mã Bruã) được đồng bào J’rai tổ chức với quy mô gia đình.

Theo quan niệm của người J’rai, con người sinh ra không biết gì về thế giới của mình, chính các Yàng (thần linh) là người đã chỉ bảo cho họ biết trồng cây lúa, trỉa hạt bắp để ăn, biết dệt vải để mặc, đan những chiếc gùi đẹp để dùng. Yàng phù hộ cho sức khỏe, phù hộ cho mùa màng được tốt tươi… Vì vậy, để đền đáp công ơn của Yàng, các gia đình người J’rai tổ chức lễ tạ ơn với mong muốn Yàng sẽ tiếp tục phù hộ cho gia đình mình.

Thanh niên giúp gia đình dựng nêu.

Lễ tạ ơn diễn ra ba ngày. Ngày thứ nhất làm cây nêu, dây cột trâu, cột dê cho lễ hội. Cây nêu được dựng trước sân nhà, vị trí cây nêu cột dê bao giờ cũng phải ở phía mặt trời mọc, còn cây nêu cột trâu ở phía mặt trời lặn. Sau khi vật hiến sinh đã được đưa vào vị trí, các thành viên trong gia đình tập trung tại cây nêu tiến hành nghi thức cúng. Chủ nhà cắt tiết gà sau đó thực hiện nghi thức quăng gà về phía đối diện cửa chính của ngôi nhà, nếu đầu gà quay ra cửa chính thì báo hiệu điềm tốt. Sau đó, đội cồng chiêng tiến vào trong nhà, tiếng cồng chiêng vang lên, lúc này chủ nhà chọn một ghè rượu to và ngon nhất cõng ra cột tại vị trí cây nêu ngoài sân để mời bà con dân làng uống trong những ngày diễn ra lễ hội. Suốt đêm hôm đó họ cùng ăn, uống rượu, đánh cồng chiêng, múa xoang để thức cùng trâu.

Đồng bào J'rai quan niệm rằng chính các Yàng (thần linh) đã chỉ bảo cho họ biết làm rẫy trồng lúa, trỉa hạt bắp để ăn, biết dệt vải để mặc, đan gùi để dùng...

Ngày thứ hai là ngày chính lễ, chủ nhà cùng con cháu có mặt đông đủ tại cây nêu để làm lễ hiến sinh trước sự chứng kiến của đông đảo bà con trong làng. Cồng chiêng tiếp tục nổi lên, vòng xoang lại được tiếp tục để tiễn biệt con vật yêu quý, thể hiện sự tiếc thương, sự biết ơn đối với con vật đã làm vật hiến sinh cho Yàng. Đồng bào làm nghi thức hiến sinh trâu trước, sau đó mới đến dê.

Con trâu là vật hiến tế thần linh.

Khi các nghi thức đã hoàn tất, chủ nhà bắt đầu mời mọi người đến cùng uống rượu nhận lộc của Yàng cùng với gia đình. Họ góp vui cùng với gia đình bằng những ghè rượu thơm ngon nhất. Không khí lúc này dường như chỉ còn lại niềm vui, sự tin tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp phía trước.

Tiếng cồng tiếng chiêng vang lên trong suốt ba ngày đêm, bà con buôn làng cùng ăn, uống rượu, múa xoang không biết mỏi.

Ngày thứ ba là ngày cuối của lễ hội, còn được gọi là ngày ăn đầu trâu, chủ nhà làm lễ hạ Yàng. Kết thúc lời khấn, chủ nhà lấy xương đầu trâu gác lên vị trí trang trọng nhất bên trong mái chồ của nhà sàn, báo hiệu lễ hội đã kết thúc. Các thành viên trong gia đình thay nhau mời khách đến tham dự những ché rượu tình nghĩa, cảm ơn dân làng đã đến chung vui cùng với gia đình mình.

Quang Vinh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.