Mây trắng Đắk Glei
Chúng tôi theo con đường đèo ngoằn ngoèo xuyên qua rừng Ngọc Linh để đến ngục Đắk Glei mà người dân Kon Tum vẫn gọi là ngục Tố Hữu, nay là một trong những di tích quốc gia nổi tiếng.
Đứng trên nền ngục nhìn lên trời đầy mây trắng, chợt nghe như có tiếng nói cười ngạo nghễ của những người cộng sản bị Pháp bắt đi đày ở đây năm xưa...
Đắk Glei – nhà đày xứ Trung kỳ
Ngục Đắk Glei nguyên có tên là căng an trí Đắk Glei, là nhà đày cấp “hàng xứ” Trung kỳ trong hệ thống tù đày của thực dân Pháp. Căng an trí là nơi giam giữ “những thành phần nguy hiểm trong xã hội” nhưng chưa bị Pháp kết án, chưa bị áp dụng chế độ tù tội.
Tuy nhiên, các chính trị phạm cũng bị giam cầm nhiều năm mà không đưa ra xét xử, và không biết khi nào được thả về. Từ giữa năm 1940 đến 1942, Pháp đưa nhiều đợt chính trị phạm đến giam cầm ở đây, cao điểm có lúc lên đến 100 người. Đến tháng 6/1942, sau sự kiện hai chính trị phạm Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ trốn thoát khỏi căng Đắk Glei, Pháp cho chuyển hết chính trị phạm về trại giam Đắk Tô, chỉ còn giữ tù thường phạm.
Trong hồi ký “Kể lại cuộc đời”, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: Lúc đó phát xít Đức đang chuẩn bị đánh Pháp, sợ cách mạng nhân cơ hội này đẩy mạnh hoạt động, để rảnh tay đối phó, Pháp bắt tất cả những người bị tình nghi đày biệt xứ lên căng Đắk Glei. Tuy không tra tấn, ngược đãi tàn bạo như những nơi khác, nhưng đây là vùng “rừng thiêng nước độc”, “tù phạm dễ bị chết dần chết mòn vì không quen thung thổ và bệnh sốt rét không đủ thuốc chữa”.
Mô hình diễn tả cảnh tù khổ sai trong ngục Đắk Glei. |
Nhà thơ Tố Hữu ở ngục Đắk Glei
Khoảng cuối năm 1941, nhà thơ Tố Hữu bị đày lên căng Đắk Glei. Đây quả là một sự kiện lớn của tù chính trị phạm Đắk Glei, bởi trước đó, anh em đồng chí đã nghe tin nhà thơ Tố Hữu chết trong nhà giam Quy Nhơn và đã làm lễ truy điệu nhà thơ cách mạng trẻ tuổi. Nay thấy Tố Hữu còn sống, xuất hiện, mọi người hết sức vui mừng, dẫu trong hoàn cảnh đang tù đày.
Tố Hữu là người duy nhất bị đưa lên Đắk Glei “một lần nhưng… hai lượt”. Trong hồi ký “Nhớ lại một thời”, ông kể: “Tôi ở Đắk Glei mới hơn một tháng thì có lệnh phải về gấp để “trả nợ” sáu tháng tù tăng án vì đấu tranh ở Huế. Thế là phải xuống Quy Nhơn một lần nữa… Ở Quy Nhơn… hết hạn sáu tháng tăng án. Lại có lệnh phải đi đày lên Đắk Glei”.
Thời gian ở căng Đắk Glei không lâu, song nhà thơ Tố Hữu đã tham gia nhiều hoạt động.
Chỉ thời gian rất ngắn, Tố Hữu đã làm rất nhiều thơ ở đây. Trong một lần quản giáo cho chính trị phạm xuống làng “xin giống chuối” về trồng, đoàn trở về thì gặp một thác nước rất đẹp, Tố Hữu làm bài thơ “Thác lụa”. Lần khác, nhóm anh em lại gặp một thác nước ba tầng, nhà thơ lại cảm tác ngay bài “Dưới dòng thác đổ”.
Một điều ít người biết là có cả một tập thơ của Tố Hữu đã phải tự hủy ở đây. Trong hồi ký “Trở lại Kon Tum”, đồng chí Lê Văn Hiến kể: “Sáng mồng 4/6/1942, chúng tôi lên đường từ Đắk Glei để tới Đắk Tô (…). Để đề phòng địch lục soát tài liệu…, ngay trong đêm ấy, anh em nhất trí hủy tất cả giấy tờ, văn bản, không giữ lại một mảnh giấy, sợ địch vin cớ khủng bố. Ngoài số tài liệu ra, chúng tôi tiếc nhất là tập thơ của Tố Hữu cũng phải hủy”.
Nhưng có một bài thơ rất nhiều người biết và thuộc, đó là bài “Tiếng hát đi đày” được nhà thơ viết ở ngay Đắk Glei vào tháng Giêng năm 1942: “… Đường lên xứ lạ Kông Tum/ Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao/ Thông reo bờ suối rì rào/ Chim chiều chíu chít, ai nào kêu ai?… Chao ôi, xưa cũng chốn này đây/ Thân bạn vùi xương dưới gốc mây/ Roi vụt nát tay bầy lính rợ/ Máu đầm khoái mắt lũ đồn Tây!/ Mỗi hòn đá đó bao hòn huyết/ Một khúc cầu đây, mấy khúc thây!/ Hỡi những anh đầu qua trước đó/ Biết chăng còn lắm bạn đi đày!...”.
Bên ngoài ngục Đắk Glei. |
Đồng chí Lê Văn Hiến còn kể: “Trong trại, chúng tôi ra hai tờ báo: Một tờ do anh em ở phòng dưỡng bệnh xây dựng lấy tên là La-za-rê (…) và một tờ lấy tên là “Chàng làng” (…). Ngày Tết, anh em ra tạp chí “Mùa Xuân”… Tòa soạn gồm có những anh em như Hà Thế Hạnh, Lê Nhu, Thái Văn Tam, Nguyễn Trọng Vĩnh… về sau có thêm đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ. Các tờ báo đã phản ánh khá trung thực sinh hoạt của trại và đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, giải trí cho anh em”.
Đón xuân năm 1942, chính trị phạm thành lập Ban tổ chức Tết. Chiều ba mươi, anh em tổ chức được một “bữa tiệc thịnh soạn”, tối giao thừa tổ chức tấu hài “Báo cáo Táo quân với Ngọc Hoàng” khiến anh em cười bể bụng. Ngày mồng một tổ chức đá bóng, cờ người… Ban Văn nghệ gồm các đồng chí Tố Hữu, Hà Thế Hạnh, Huỳnh Ngọc Huệ, Đoàn Bá Từ… tổ chức diễn tuồng “Tốn Địch Thanh chinh tây” do Lê Thế Hiếu soạn. Hôm khác lại diễn kịch “Một người ba vai” do Hà Thế Hạnh soạn kịch kiêm đạo diễn, diễn viên… Nhà thơ Tố Hữu trong “Nhớ lại một thời” cũng kể: “Tôi soạn một vở kịch ngắn về tình đoàn kết trong bản làng, giúp nhau làm rẫy, trồng lúa… Một số anh đóng vai nam người dân tộc, một số đóng vào con gái hát nhảy (…) Trên sân khấu, tôi xuất hiện như một ca sĩ, môi son má phấn, lại có mái tóc dài, ngực độn hai trái cà chua lớn dưới áo màu xanh… Tên trưởng đồn thấy “gái” cười tít mắt…”.
Điều lý thú là trong các đêm diễn, cai ngục, lính gác và đồng bào dân tộc kéo nhau đến xem rất đông, khiến bà con càng thêm có cảm tình với những người cách mạng.
Thấy cai ngục quản lý lỏng lẻo, nhà thơ Tố Hữu quyết định vượt ngục cùng với đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ. Để trốn thoát, nhà thơ đã điều nghiên rất kỹ, sau đó bàn với các đồng chí như Lê Văn Hiến, Nguyễn Trọng Vĩnh… ở lại tìm cách cản địch truy sát. Sau khi Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ trốn thoát được nửa tháng, cai ngục mới phát hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, với bài thơ “Tiếng hát đi đày” nổi tiếng cùng những hoạt động khác của nhà thơ Tố Hữu ở Đắk Glei, mà người dân Kon Tum đã gọi “ngục Đắk Glei” thành tên khác là “ngục Tố Hữu” - một cách gọi thể hiện lòng yêu mến và kính trọng.
Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc