Multimedia Đọc Báo in

Tâm huyết với nghề làm rượu cần truyền thống

09:03, 26/11/2024

Rượu cần là lễ vật quan trọng dâng lên thần linh trong các nghi lễ truyền thống và gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Êđê. Thưởng thức rượu cần bên bếp lửa bập bùng, cùng tiếng cồng chiêng âm vang là nét văn hóa độc đáo, tạo sự gắn kết cộng đồng của người dân Tây Nguyên. Mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Êđê, nhiều bạn trẻ xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) đã cùng nhau phát triển, lan tỏa sản phẩm rượu cần truyền thống theo hướng hàng hóa, tích cực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương.

Là người con của buôn làng, ngay từ nhỏ chị H’Mét Mlô (buôn Năng, xã Ea Hồ) đã được ông bà mình chỉ dạy cách ủ rượu và bí quyết để có những ché rượu thơm ngon. Sau khi lấy chồng, chị cũng tự ủ rượu cho gia đình sử dụng và để đãi khách. Với tình yêu văn hóa, tâm huyết với nghề truyền thống, chị luôn mong muốn phát triển rượu cần để sản phẩm này không chỉ được sử dụng “quanh quẩn” trong buôn làng, mà còn xây dựng thương hiệu lan tỏa để nhiều người biết đến. Tháng 8/2023, chị đã cùng 7 bạn trẻ trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất thương mại dịch vụ thanh niên Tek Eco, sản xuất chế biến rượu cần và một số sản phẩm nông sản địa phương. Các thành viên trong HTX đều là những người trẻ, tâm huyết với những sản phẩm địa phương. Để có được rượu cần ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, các thành viên đã học hỏi kinh nghiệm của nhiều người trong buôn để cho ra thành phẩm ưng ý nhất.

Chị H'Mét Mlô (buôn Năng, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) tiến hành công đoạn trộn men để ủ rượu cần.

Theo chị H’Mét, sản xuất rượu cần về quy trình có thể giống nhau, nhưng tỷ lệ trộn nguyên liệu là bí quyết riêng của mỗi gia đình nên rượu được tạo ra cũng có hương vị khác nhau. HTX sử dụng nguyên liệu chính là gạo đặc trưng của đồng bào Êđê gieo trồng và men được mua từ Cơ sở sản xuất men Hồng Thắm (TP. Buôn Ma Thuột), là cơ sở được công nhận đạt chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người Êđê thường ủ rượu vào những ngày nắng đẹp, khi đó rượu sẽ ngon ngọt, không bị chua. Bí quyết quan trọng nhất để ủ được ché rượu ngon là tỷ lệ trộn men, nhiều men quá vị rượu sẽ bị hắc, mà ít quá thì rượu sẽ bị nhạt. Do vậy, các thành viên phải thử nghiệm nhiều lần mới cho ra được tỷ lệ pha trộn men rượu chuẩn.

Ché ủ rượu cũng phải đặt ở khu vực nhiệt độ không quá lạnh cũng không được nóng quá, như vậy rượu ủ ra mới thành công. Rượu càng để lâu càng ngon, hương vị đậm đà. HTX mới thành lập, sản phẩm bán ra cũng chưa nhiều nhưng đã nhận được phản hồi tích cực về chất lượng. Đó là động lực để các thành viên tiếp tục cố gắng phát triển sản phẩm truyền thống này.

Hợp tác xã Sản xuất thương mại dịch vụ thanh niên Tek Eco đang tích cực chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán 2025.

Mặc dù là người dân tộc Nùng nhưng anh Vương Quốc Dũng (thành viên HTX) lại thích thú và đam mê với nghề ủ rượu cần Êđê. Anh chia sẻ: “Gia đình mình cũng sản xuất và kinh doanh rượu trắng. Sau khi biết cách ủ rượu cần, mình nhận thấy rượu cần phải có thời gian chưng cất, các công đoạn làm đơn giản, nhưng lại khó thành công hơn rượu trắng và đặc biệt phải có hương vị nồng nàn đặc trưng không lẫn vào đâu được. HTX kinh doanh rượu không hẳn là vì giá trị vật chất, mà nó còn mang giá trị tinh thần, gắn liền với những câu chuyện văn hóa. Đó chính là cách những người trẻ như mình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ trước, tích cực lan tỏa, chia sẻ nét văn hóa độc đáo này đến mọi người”.

Sản phẩm rượu cần của HTX đã đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và đang được địa phương hỗ trợ hoàn thành các thủ tục đánh giá OCOP, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống. Thời điểm này, các thành viên HTX đang cùng bà con trong buôn sản xuất khoảng 100 ché rượu cần, chuẩn bị hàng để tiêu thụ dịp Tết. HTX cũng tăng cường quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và kết nối trưng bày, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc