Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch, những năm qua tỉnh Đắk Lắk không ngừng đa dạng hóa loại hình, dịch vụ, tạo đà cho "ngành công nghiệp không khói" phát triển bền vững.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông THÁI HỒNG HÀ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chung quanh vấn đề này.
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
* Với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên cùng văn hóa truyền thống đặc sắc của 49 dân tộc cùng sinh sống, tỉnh Đắk Lắk đã có những chủ trương, chính sách gì để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thưa ông?
Tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chương trình, đề án, nghị quyết, kế hoạch cụ thể nhằm phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như: Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 15-CTr/TU, ngày 13/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 28/3/2022 về “Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17/12/2021 về “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025”.
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2615/QĐ-UBND, ngày 30/10/2020 về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2939/QĐ-UBND, ngày 25/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035... Những chủ trương, chính sách trên là cơ sở, tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hằng năm tốc độ tăng trưởng về du lịch của tỉnh đều vượt từ 10 - 15%, kể cả khách nội địa và khách quốc tế.
* Du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào DTTS ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ các địa phương phát triển mô hình du lịch cộng đồng như thế nào để vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống?
Ngày 13/8/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025. Để thực hiện hiệu quả nghị quyết này, tỉnh đã chọn 5/17 buôn đáp ứng các điều kiện hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, năm 2022, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Năm 2023, hỗ trợ buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Năm 2024, hỗ trợ buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) và buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).
Khu du lịch sinh thái Kotam ở phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch khi đến Đắk Lắk. |
Theo đó, mỗi buôn được hỗ trợ từ 10 - 12 hạng mục như: lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; mua sắm máy vi tính, bàn ghế, xây dựng trang thông tin điện tử du lịch cộng đồng; xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn theo quy định để phục vụ khách du lịch; lắp đặt các biển chỉ dẫn, thuyết minh điểm đến để du khách thuận tiện đi lại, tìm hiểu thông tin; cải tạo cảnh quan môi trường, vệ sinh; bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch và xây dựng sản phẩm phục vụ khách du lịch...
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 3 buôn được công bố buôn du lịch cộng đồng đã tổ chức kinh doanh, phục vụ khách tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng và dịch vụ ẩm thực, homestay, gồm: buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), buôn Trí (huyện Buôn Đôn) và buôn Kuốp (huyện Krông Ana). Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch tại buôn Tơng Jŭ (TP. Buôn Ma Thuột) và buôn Jun (huyện Lắk). Hai buôn này đã tổ chức công bố buôn du lịch cộng đồng, đưa vào kinh doanh, phục vụ khách du lịch.
* Để ngành du lịch của tỉnh phát triển trong thời kỳ hội nhập nhưng không làm mất đi các giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, theo ông cần có những giải pháp gì?
Để phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ hội nhập, cần triển khai nhiều giải pháp. Thứ nhất, phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc từ văn hóa dân tộc như du lịch văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn DTTS. Việc này không chỉ mang lại trải nghiệm phong phú cho du khách mà còn giúp bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc.
Thứ hai, phát triển du lịch bền vững, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và các giá trị văn hóa. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, kết hợp với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì phong tục tập quán của cộng đồng.
Thứ ba, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch địa phương. Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng DTTS thông qua các chương trình đào tạo về du lịch, quản lý dịch vụ, kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách du lịch và bảo vệ môi trường. Việc này không chỉ giúp người dân tham gia vào hoạt động du lịch chủ động mà còn bảo vệ được các giá trị văn hóa, tránh sự mai một hoặc biến tướng trong quá trình phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng có sự tham gia của người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn văn hóa; hợp tác với các tổ chức, chuyên gia quốc tế giúp tiếp cận phương pháp tiên tiến trong bảo vệ văn hóa và môi trường, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình du lịch thành công trên thế giới.
* Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc