Nghề làm gốm cổ ở xã Yang Tao được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT-DL) vừa có Quyết định số 3991/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm gốm của người M’nông ở xã Yang Tao, huyện Lắk.
Bộ VH, TT - DL giao Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục tại Quyết định 3991, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay đồng bào dân tộc M’nông ở xã Yang Tao, huyện Lắk vẫn còn giữ được nghề làm gốm thủ công từ thời xa xưa. Nét độc đáo của gốm cổ Yang Tao thể hiện ở chỗ được chế tác hoàn toàn thủ công.
Sản phẩm gốm của người M'nông ở xã Yang Tao được trưng bày tại nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của địa phương. |
Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lấy từ bờ sông, suối và dưới chân núi Chư Yang Sin, đất có màu nâu sậm. Sau khi lấy đất sét về, bà con loại sạch tạp chất, được ủ vào trong bao, thỉnh thoảng châm vào một ít nước để giữ độ ẩm cho đất. Đất sẽ được giã nhuyễn rồi mới tạo phôi để chế tác sản phẩm. Khác với cách làm gốm ở các vùng miền, người M'nông không dùng bàn xoay mà để đất nhuyễn trên đôn gỗ có chiều cao khoảng 70 cm, người làm gốm di chuyển quanh đế. Sau đó, người làm gốm sử dụng thanh tre vót mỏng để tạo hình, dùng miếng vải ướt để làm nhẵn sản phẩm, rồi phơi sản phẩm đến độ khô nhất định, nghệ nhân mới dùng que vẽ hoa văn, họa tiết, lấy hòn đá cuội chà bề mặt cho bóng, rồi tiếp tục phơi khô trong bóng râm.
Các sản phẩm gốm được xếp trên đống củi khô, rồi đốt lửa nung gốm đến khi tất cả đỏ rực. Khác với các làng làm gốm khác, người M’nông nung gốm lộ thiên chứ không sử dụng lò nung, thời gian nung khoảng từ 1-2 giờ, tùy thuộc vào số lượng sản phẩm. Khi thấy sản phẩm chín ngã màu, người làm gốm sẽ rắc trấu lên trên – đây là công đoạn quan trọng để tạo màu đen bóng đặc trưng riêng có của sản phẩm gốm M’nông ở xã Yang Tao.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc