Gìn giữ những thanh âm truyền thống
Nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, sử dụng chủ yếu vật liệu tự nhiên như tre, nứa, lồ ô… để chế tác thủ công nhờ bàn tay khéo léo, khả năng thẩm âm sắc sảo của nghệ nhân. Tuy nhiên, trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại, những nhạc cụ này đang đứng trước thách thức bị mai một.
Tại huyện Lắk, các loại nhạc cụ như cồng chiêng, kèn nung m’buôt, t’lăk t’lơi, kèn môi (Guôch), kèn lúa (Nung Ba), đinh năm (kèn bầu)… đã được sử dụng thường xuyên trong lao động sản xuất, phản ánh tập quán canh tác lúa rẫy đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Việc truyền dạy qua các thế hệ được diễn ra trong những buổi lao động hằng ngày hay những lễ cúng thần linh, cúng bến nước...
Ngày nay, bà con không còn duy trì tập quán làm lúa rẫy mà chuyển sang làm lúa nước, rẫy trồng lúa trước đây hầu hết được chuyển sang trồng cây công nghiệp nên các loại nhạc cụ truyền thống cũng mất đi cơ hội được sử dụng biểu diễn và truyền dạy. Tuy vậy, tình yêu đối với âm nhạc dân tộc đã giúp cho người dân ở đây vẫn “giữ lửa”, “truyền lửa” đam mê cho thế hệ sau.
Người dân tham gia biểu diễn đàn bầu 6 ống trong lễ cúng cầu sức khỏe bình an ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk) . Ảnh: T. Dung |
Điển hình như ông Y Krang Tơr (SN 1974, buôn T’lông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) hiện vẫn có thể chế tác và trình diễn được các loại nhạc cụ truyền thống của người M’nông. Từ nhỏ ông đã được đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống…
Ông nhớ lại, ngày nhỏ được theo gia đình lên rẫy làm việc, ông thấy cha mình trong những lúc nghỉ ngơi đã chế tác đàn t'lăk t'lơi (đàn đuổi chim). Đàn được chế tác đơn giản từ 6 thanh gỗ xoan liên kết với nhau bằng dây mây nhưng đối với ông nó thật đặc biệt. Tuy không cầu kỳ nhưng dùng để gõ đuổi chim, thú phá hoại mùa màng rất hiệu quả.
Hay như khi đến mùa thu hoạch lúa, lúc nghỉ ngơi, cha ông Y Krang cắt một đoạn cây lúa đã thu hoạch làm Nung Ba (kèn lúa) để thổi cho mẹ và những người phụ nữ khác hát dân ca M’nông, đó là những lời giao duyên, căn dặn, hát mừng lúa mới… nhằm vơi bớt mệt nhọc. Cứ thế ông Y Krang đam mê lúc nào không hay. Ngoài được cha chỉ dạy, ông còn miệt mài tự học để làm sao đánh cồng chiêng hay bất cứ loại nhạc cụ nào đều thật hay, thật giỏi. Nhờ đó, khi mới 14 – 15 tuổi, ông Y Krang đã thành thạo được các nhạc cụ của dân tộc mình.
Ở thị xã Buôn Hồ, ông Y Wang Mlô (SN 1967, xã Ea Drông) được người dân xem là niềm tự hào của người Êđê tại địa phương. Từ khi còn rất trẻ, ông đã tự học tập, mày mò để vừa biểu diễn vừa chế tác được nhạc cụ. Ông Y Wang kể, với tình yêu cháy bỏng âm nhạc dân tộc, ông thường theo cha đi xem biểu diễn trong tất cả các dịp lễ hội, đám ma, đám cưới… trong buôn. Để biết chơi nhạc cụ, ông học đến mất ăn mất ngủ. Ban đầu chỉ học chiêng tre, các loại đàn, kèn bằng tre, nứa, lồ ô…, đến khi thuần thục, ông Y Wang được cha và những người đàn ông trong buôn dạy về đánh cồng chiêng để tham gia biểu diễn trong các dịp quan trọng tại địa phương. Hiện nay, ngoài cồng chiêng, thời gian rảnh, ông thường chế tác những chiếc đinh năm (kèn bầu 6 ống). Theo ông Y Wang, để chế tác ra một chiếc kèn bầu không khó, nhưng yêu cầu người làm ra nó phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn, đặc biệt là cách chế tạo lam (lưỡi gà rung hai chiều). Khi làm lam cần lựa những đoạn cật tre già và dùng dao mài mỏng, khoét lỗ ở giữa để khi thổi lên, lam sẽ rung lên theo ý của mình. Để làm một chiếc kèn với âm thanh tốt thì phải xem kích thước quả bầu to hay nhỏ mà chọn các ống nứa phù hợp. Tất cả các công đoạn phải làm thủ công, liên tục trong nhiều ngày, nhưng ông Y Wang sẵn sàng cho, tặng những người có cùng đam mê nhằm truyền lại cho thế hệ sau nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Ông Y Wang Mlô (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) luôn đau đáu giữ gìn những thanh âm độc đáo của nhạc cụ dân tộc. Ảnh: G. Nga |
Trải qua bao thăng trầm, âm nhạc các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn luôn gắn bó mật thiết với người dân. Cùng với nỗ lực của những nghệ nhân như ông Y Krang Tơr, ông Y Wang Mlô... các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã có những hoạt động thiết thực để "tiếp lửa" cho âm nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số.
Điển hình như mô hình "Nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng cải thiện sinh kế, bảo tồn dân tộc thiểu số" do Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh chủ trì thực hiện tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk) vào tháng 5/2024. Từ mô hình này đã giúp người dân địa phương lan tỏa được nhiều nét đẹp văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng đến với đông đảo người dân và du khách.
Bên cạnh duy trì cho người dân cùng tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch, mô hình dự kiến đón thêm các nghiên cứu sinh, thực tập sinh và nhóm học tập cộng đồng khác có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu sâu về gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc nhằm giúp người M’nông tại đây gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc mình...
Thùy Dung – Giang Nga
Ý kiến bạn đọc