Multimedia Đọc Báo in

Một già làng đam mê nhạc cụ dân tộc

09:08, 01/08/2021

Người dân buôn Kna B dần đã quen thuộc với tiếng đàn, tiếng sáo vang lên trong ngôi nhà sàn nhỏ của ông Y Bak Niê (buôn Kna B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar). Những âm thanh, giai điệu sâu lắng đó như đã giúp họ quên đi mệt mỏi sau một ngày làm lụng trên nương rẫy.

Không chỉ biết chế tác nhạc cụ, ông Y Bak Niê còn hòa tấu nhạc cụ do chính mình làm ra, đó cũng là cách ông thỏa niềm đam mê và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Mặc dù đã hơn 70 tuổi, nhưng nhờ có đôi tay nhanh nhẹn, đôi mắt tinh tường, ông vẫn thường ngày lên rừng, xuống suối để tìm nguyên liệu về chế tác nhạc cụ.

Nói về niềm đam mê của mình, ông chia sẻ, nhạc cụ hiện diện trong mọi sinh hoạt đời sống tâm linh, tinh thần của người Êđê nên ngay từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với chúng. Thời nhỏ, mỗi khi trong buôn có lễ hội, lễ cúng diễn ra, ông lại cùng lũ trẻ chạy theo các già làng để xem họ đánh nhạc cụ và rồi ông mê mẩn với những âm thanh độc đáo này lúc nào không hay.

Già làng Y Bak Niê đang diễn tấu bằng chiếc ky păh do mình chế tác.

Những ngày ấy, do chưa đến tuổi được sử dụng nhạc cụ nên ông chỉ có thể ngồi nghe và quan sát các nghệ nhân biểu diễn. Năm 7 tuổi ông bắt đầu theo chân mấy đứa trẻ trong buôn lên rừng, lên rẫy, chỉ để mượn chúng chiếc ky păh, bro tập tành đánh thử. Đó cũng là lần đầu tiên ông được cầm nhạc cụ và thổi vang giữa rừng núi, chính những âm thanh đó đã thấm dần và đọng lại mãi trong tâm thức của ông. Đến năm 20 tuổi, ông đã bắt đầu tự mày mò, nghiên cứu chế tác những nhạc cụ đơn giản như: goch, đinh tác ta. Khi tay nghề thành thạo hơn, ông làm được đinh năm, đing choc, gông, bro, ky păh...

Trong đó, chiếc ky păh ông phải làm mất ba ngày mới xong. Bởi để có nguyên liệu chế tác, ông phải lên rừng để tìm cây chăt (theo tiếng người Êđê), chặt một cành to hơn bắp tay về phơi khô, rồi dùng dao khoét, đục rất tỉ mỉ để tạo hình như chiếc kèn dài khoảng 40 cm, rỗng phía trong và trang trí kỳ công mới hoàn thành. Ky păh có âm thanh vang xa, sâu lắng, thường dùng trong ma chay. Mặc dù ngày nay nhạc cụ này không còn sử dụng nhiều như trước, nhưng ky păh lại được ông Y Bak đặc biệt yêu thích, không chỉ bởi sự độc đáo mà nó còn là nhạc cụ gắn liền với tuổi thơ của ông.

Theo ông Y Bak, nguyên liệu làm nhạc cụ truyền thống của người Êđê chủ yếu là tre, nứa, quả bầu khô và kết nối từng bộ phận với nhau bằng sáp ong trộn với cây cỏ tranh khô, hỗn hợp này bám chắc, khó tan chảy khi gặp trời nắng và không bị dính tay. Để làm được một nhạc cụ hoàn chỉnh, đòi hỏi người nghệ nhân phải thực sự đam mê, am hiểu về vai trò, đặc tính, cấu tạo của âm thanh từng loại nhạc cụ. Ngoài nhạc cụ truyền thống, ông còn tự tay làm những chiếc gùi, rổ, thúng, nong nia từ tre, nứa để tặng con cháu. 

Già làng Y Bak Niê đang đan nong nia từ tre, nứa.

Là một người có uy tín trong buôn, từ năm 2013 đến nay, ông được người dân tin tưởng và bầu làm già làng buôn Kna B. Với mong muốn giữ gìn nhạc cụ dân tộc, ông thường xuyên mang nhạc cụ của mình chế tác biểu diễn ở các cuộc hội họp, lễ hội của buôn, của xã. Ông còn phối hợp với ban tự quản buôn đến từng nhà vận động các em nhỏ tham gia lớp học đánh nhạc cụ và chia sẻ kinh nghiệm chế tác cho những người yêu thích để khơi dậy niềm đam mê, giúp các em hiểu hơn về truyền thống của dân tộc.

Nhờ đó, cuối năm 2020, buôn Kna B đã có hai đội đánh nhạc cụ (mỗi đội gồm 6 thành viên) được thành lập, các em ở độ tuổi từ 9 – 20, được già làng Y Bak tận tình chỉ dạy và giúp mỗi em sử dụng thành thạo một loại nhạc cụ, có thể hòa tấu cùng nhau. Tiết mục của các em được đánh giá cao khi trình diễn trong Ngày hội Đại đoàn kết và Lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới của xã Cư M'gar, điều đó đã tạo động lực giúp các em say mê, chăm chỉ luyện tập hơn.

Cùng nhạc cụ dân tộc, già làng Y Bak Niê còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong buôn gìn giữ 26 ngôi nhà sàn; động viên phụ nữ trong buôn thành lập tổ dệt thổ cẩm (gồm 6 thành viên); phát huy nhiều nét đẹp văn hóa của người Êđê… Ông tự hào khi nhiều thanh thiếu niên trong buôn làng ngày càng am hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.