Thấm thía hơn tư tưởng, đạo đức, tình cảm của Bác Hồ
(Nhân đọc “Lời Bác dặn” của Nguyễn Duy Xuân, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2025)
“Lời Bác dặn” là cuốn sách thứ 6 của tác giả Nguyễn Duy Xuân kể từ năm 2013 đến nay. Đây là cuốn sách chuyên đề về Bác Hồ, với 33 bài viết, gồm nhiều thể loại: báo chí, tản văn, ký, bình thơ...
Nguyễn Duy Xuân hết sức tâm huyết với đề tài về Bác Hồ. Vì thế anh đã dành rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu nhiều sách, báo, tài liệu của Bác, của các tác giả rồi ngẫm nghĩ, nhập tâm; từ đó, anh soi chiếu những suy nghĩ, tư tưởng, đạo đức, lối sống của Bác vào cuộc sống và con người hôm nay.
Cũng vì vậy, không giống với các tác giả khác đã viết về Bác thường dùng nhiều lý luận cao siêu để luận giải, Nguyễn Duy Xuân thường nêu những hành động, lời nói, suy nghĩ của Bác như “tấm gương” để soi chiếu vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, có tính thời sự nên người đọc rất dễ tiếp nhận.
Ví dụ trong bài “Hồ Chí Minh - người yêu nước vĩ đại”, anh giúp người đọc thấu hiểu hơn tình yêu nước của Người qua nhiều việc làm và trước tác của Người, từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, bản “Tuyên ngôn Độc lập” đến bản “Di chúc” vô giá...
Anh liên hệ và nêu bật được mạch chảy liên tục về tình yêu nước của Người qua các giai đoạn lịch sử và tình yêu đó luôn “gắn liền với tình thương dân - hai phạm trù này gắn bó hữu cơ trong tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc”. Nhưng không chỉ “Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, Hồ Chí Minh đã thể hiện lòng yêu nước ở một tầm cao mới, mang hơi thở thời đại” (trang 6). Chính “hơi thở thời đại” đã cho Bác nhận thức mới, khác với tiền nhân, để Bác chọn con đường đi cho dân tộc đúng đắn nhất, có những quyết sách đúng, phù hợp với yêu cầu của lịch sử.
![]() |
Đọc cuốn sách ta cũng thấy rõ hơn tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh trong mối bang giao với Mỹ. Từ năm 1912 Bác Hồ đã từng đặt chân lên đất Mỹ - quốc gia đã làm cuộc chiến tranh cách mạng thành công, giành độc lập từ tay đế quốc Anh vào nửa cuối thế kỷ 18. Đó là một sự lựa chọn khôn ngoan của người thanh niên Việt Nam yêu nước.
Ở Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã có điều kiện nghiền ngẫm bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ; qua đó, càng nuôi lớn khát vọng giải phóng dân tộc mình. Những giá trị về tư tưởng văn hóa, văn minh của nước Mỹ mà Nguyễn Tất Thành tiếp thu được đã góp phần hình thành trong Người tư tưởng xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam sau này (trang 105). Đọc cuốn sách ta cũng thấy rõ hơn từ năm 1945, Bác đã bắt đầu có ý thức gieo mầm cho mối quan hệ Việt - Mỹ.
Khi máy bay của Trung úy phi công Hoa Kỳ Wiliam Shaw bị quân đội Nhật bắn rơi ở Việt Bắc, Wiliam được Việt Minh cứu. Bác Hồ đã trực tiếp đưa viên phi công trao trả cho Bộ Tư lệnh Không quân số 14 của Mỹ đang đồn trú ở Vân Nam.
Tại đây Người đã trao đổi, đàm đạo với Tướng Chennault, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Trung Quốc để thiết lập quan hệ với đại diện quân đội Hoa Kỳ. Nhờ vậy mà ngày 17/7/1945 đội tình báo Mỹ mang biệt danh “Con nai” đã nhảy dù xuống Tân Trào mang theo một số trang thiết bị, giúp huấn luyện kỹ thuật vô tuyến điện và quân sự cho Việt Minh.
Ngày 29/8/1945, Bác đã mời Archimedes L.A. Patti là Trưởng ban Đông Dương của Cơ quan Phục vụ chiến lược Mỹ OSS ở Hoa Nam đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) để nghe dự thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Việt Nam, sau đó mời Patti tham dự Lễ tuyên bố độc lập và trên khán đài nổi bật khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”. Đầu năm 1946, Bác đã tiếp xúc với Tướng Gallagher - người đứng đầu phái bộ Mỹ tại Hà Nội lúc đó và thành lập “Việt - Mỹ thân hữu hội”.
Từ tháng 9/1945 đến tháng 2/1946 Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện cho Tổng thống Mỹ Harry S. Truman và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam và từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đáng tiếc vì nhiều “lý do lịch sử”, mong ước bang giao Việt - Mỹ thời bấy giờ đã không thành (trang 106-111).
Đây là những thông tin lịch sử quý giá, không phải nhiều người biết. Vì vậy, khi được đọc những trang viết đó, chúng ta sẽ cảm thấy “mới mẻ” và rất thú vị. Thú vị hơn nữa là: trong dịp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam (11/9/2023) và nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” càng giúp chúng ta thấy rõ tầm nhìn xa của Bác về việc cần thiết thiết lập và nâng cấp quan hệ bang giao với Mỹ.
Cuốn sách còn đề cập tới nhiều vấn đề khác về đạo đức, tư tưởng, phong cách, lòng yêu nước, thương dân của Bác, thông qua loạt bài “Lòng dân - vận nước” (trang 53), “Gần dân, dân quý, dân tin” (trang 56), “Đảng ta là đạo đức là văn minh” (trang 47), “Cốt lõi của đạo đức Bác Hồ là lòng yêu thương con người” (trang 59), “Học Bác, xin lấy sự khiêm tốn giản dị làm đầu” (trang 79), “Học Bác, phải nhìn thẳng vào sự thật để kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm” (trang 86), “Bác từng cảnh báo chuyện “con ông cháu cha” (trang 97)... Đặc biệt, cuốn sách còn có một số bài phân tích, luận giải lòng yêu nước, tư tưởng, đạo đức của Bác từ chính các tác phẩm của Người: “80 năm Nhật ký trong tù - Tiếng thơ của một tâm hồn vĩ đại” (trang 112), “Những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ được phổ nhạc” (trang 129)...
Tất cả các bài viết trong cuốn sách đều mang đến cho người đọc những cảm xúc mới mẻ để ta thấm thía sâu sắc hơn vào gan ruột mình tình yêu thương của Bác, tấm lòng của Bác với dân, với nước.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc