"Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối"
Chính thức ra rạp từ ngày 4/4, tác phẩm “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang khuynh đảo rạp phim Việt những ngày qua, trở thành hiện tượng phòng vé với thành công rực rỡ về mặt doanh thu.
Những dấu ấn mới mẻ
Lấy bối cảnh lịch sử năm 1967, khi chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh điểm, bộ phim kể về hành trình bám trụ tại căn cứ Bình An Đông của nhóm du kích 21 người sau trận càn Cedar Falls. Đội trưởng Bảy Theo (Thái Hòa) và các đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ địa đạo để nhóm tình báo đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, trước nhiều trận càn quét, tấn công của địch, đội du kích rơi vào tình thế nguy nan, cận kề cái chết.
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” chinh phục khán giả bằng câu chuyện lịch sử chân thật, lối kể chuyện gần gũi, khắc họa tinh tế tình đồng đội, tình yêu và những khoảnh khắc đời thường nơi chiến trường.
Lựa chọn địa đạo với những đường hầm tỏa rộng nằm dưới lòng đất, tác phẩm như đưa người xem hòa vào không gian chật hẹp, ngột ngạt, tối tăm. Từ đó thân phận, diễn biến tâm lý của từng nhân vật được hiện lên rõ nét. Sống, chiến đấu trong lòng đất, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, ánh mắt, cử chỉ, hành động của từng thành viên đội du kích vừa chất chứa lý tưởng, khát vọng, vừa đầy giằng xé, kiên cường.
Bên cạnh đó, màu sắc cũng trở thành điểm cộng lớn cho phim. Ekip làm phim đã kiểm soát ánh sáng rất tốt bằng kỹ thuật tráng phim Bleach Bypass. Nếu trên mặt đất là tông màu nâu đất của bùn lầy, xám tro của rừng cháy, với sự héo úa, bạc màu của thân cây trong khung cảnh khốc liệt nơi chiến trường; thì dưới lòng đất là tông vàng ấm của địa đạo hắt lên từ ánh đèn dầu khiến bộ phim vừa nhuốm màu hoài niệm, kịch tính, vừa giúp người xem có cảm tưởng như đang cùng chiến đấu, lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng. Ngọn đèn dầu leo lét thắp sáng lòng đất tối tăm tựa “mặt trời trong bóng tối”, là ánh sáng của ý chí, niềm tin về một ngày mai toàn thắng.
![]() |
Chính thức chạm mốc trăm tỷ đồng, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là phim chiến tranh cách mạng đầu tiên không sử dụng vốn của nhà nước. Ảnh poster của phim |
Âm thanh trong phim cũng được sử dụng rất tinh tế, với sự đan xen giữa tiếng bom đạn bên ngoài và nhịp thở, tiếng thì thầm, thậm chí là sự im lặng tuyệt đối bên trong địa đạo. Từ đó mang đến trải nghiệm điện ảnh chân thực, gần gũi giúp khán giả hình dung về sự khốc liệt của chiến tranh.
Đặc biệt, yếu tố quan trọng làm nên sức hút của phim chính là lối kể chuyện gần gũi, mới mẻ, tập trung vào khía cạnh con người. Người lính trong phim không chỉ là những anh hùng bất khuất với lòng yêu nước, tình đồng đội, họ còn là những con người bình thường với những khát khao tình yêu, những khoảnh khắc đời thường thi vị và những ngập ngừng, sợ hãi rất thật, rất đời. Đó là những du kích Củ Chi tại chiến trường Bình An Đông, những chàng trai cô gái Nam Bộ với tuổi đời còn rất trẻ. “Họ khom lưng, cúi đầu trong lòng địa đạo chật hẹp để hôm nay chúng ta được ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời tự do”.
Đây cũng là bộ phim chiến tranh cách mạng đầu tiên do chính tay đạo diễn Bùi Thạc Chuyên viết kịch bản và chỉ đạo sản xuất. Hành trình theo đuổi và hoàn thành bộ phim của Bùi Thạc Chuyên cũng đến từ chính giấc mơ được đạo diễn nung nấu trong hơn 10 năm. Từ dự án phim 3D dài 10 phút về địa đạo Củ Chi năm 2014, một mối duyên lành bắt đầu bén rễ, mở ra chặng đường 10 năm miệt mài với kịch bản, nhân vật, với những lần kêu gọi đầu tư, những chuyến đi xuôi ngược Bắc - Nam để tìm hiểu thực tế. Đưa lịch sử lên màn ảnh, giấc mơ điện ảnh đầy chông gai của Bùi Thạc Chuyên sau cùng đã thành sự thật trong những thước phim oai hùng.
Sự vươn mình của dòng phim lịch sử
Trong thời điểm thị trường điện ảnh bị cuốn theo những bộ phim mang tính thương mại, sự trở lại của những bộ phim đề tài lịch sử chính là điểm sáng của điện ảnh nước nhà. Điện ảnh Việt đã ghi dấu trong lòng người xem với những tác phẩm về đề tài lịch sử đặc sắc như: từ “Chung một dòng sông” (1959), “Con chim vành khuyên” (1961), “Chị Tư Hậu” (1962), “Nổi gió” (1966), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1973), “Em bé Hà Nội” (1974), “Cánh đồng hoang” (1979), “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984), “Biệt động Sài Gòn” (1986)… cho đến “Đừng đốt” (2009), “Khát vọng Thăng Long” (2011), “Mùi cỏ cháy” (2012), “Đào, Phở và Piano” (2024)… Các tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh lịch sử đã góp phần thổi bùng ngọn lửa về tình yêu Tổ quốc, bằng cả tiếng cười và nước mắt, hạnh phúc và đau thương từ những năm tháng kiêu hùng.
Thực tế cho thấy, để xây dựng được một tác phẩm điện ảnh lịch sử cuốn hút, đạo diễn, ekip phải đánh đổi bằng rất nhiều nỗ lực; kinh phí đầu tư cho dòng phim này cũng rất lớn. Thế nên, việc bắt tay thực hiện các tác phẩm mang chất liệu lịch sử đã là một cuộc đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro. Đồng thời, theo giới chuyên môn, một trong những lý do khiến các phim đề tài lịch sử ở Việt Nam thất bại về doanh thu, thành tích đó là tư duy làm phim “minh họa”, không có tình tiết hấp dẫn; cảm xúc điện ảnh khô cứng.
Nhưng, những cách thể hiện mới trong các bộ phim điện ảnh về lịch sử như: “Đào, Phở và Piano”, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đang mang đến triển vọng mới. “Đào, Phở và Piano” - một bộ phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước đặt hàng đã trở thành hiện tượng phòng vé thu hút khán giả trẻ. “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” không chỉ phá vỡ định kiến về dòng phim lịch sử, chiến tranh mà còn chạm tới trái tim khán giả và giới phê bình…
Tuy nhiên, hành trình đưa lịch sử lên màn ảnh vẫn còn là chuyến đi dài của điện ảnh Việt. Để dòng phim lịch sử của điện ảnh Việt được cất cánh, vươn mình, cần xây dựng hệ thống hỗ trợ bài bản cho các nhà làm phim như: vận dụng các quỹ phát triển điện ảnh, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư cho biên kịch, kỹ xảo; tăng cường quảng bá, xây dựng chiến lược truyền thông và quan trọng hơn hết là thay đổi tư duy.
Phan Thiên Di
Ý kiến bạn đọc