“Lửa nghề” vẫn cháy ở Thanh Bình
Những cơn mưa dông phập phù, có lúc rào rào lướt qua mái đình của di tích Thanh Bình từ đường, ở kiệt 281 đường Chi Lăng, phường Phú Xuân, TP. Huế.
Cậu bé Minh Khánh mặc quần cộc, áo pull chạy ra cổng xóm, giữa đêm ngẩng mặt lên trời cầu khẩn cho mưa tạnh, gió dừng. Bên trong sân, tiếng trống, chập chõa, mõ, đàn... cùng những lời ca cổ hòa âm náo nhiệt, bay bổng.
Ấm áp xóm Thanh Bình
Minh Khánh (11 tuổi) là con trai của nữ nghệ sĩ Phượng Loan thuộc Đoàn Hát bội – Tuồng cổ Ngọc Khanh (Đồng Nai), là một trong những “hạt mầm” của “cánh đồng” hát bội – tuồng cổ. Năm 6 tuổi, Minh Khánh đã gây ấn tượng khi tự tin thể hiện những trích đoạn tuồng cổ, đã có thể cất tiếng ca, múa uyển chuyển, lưu loát với các điệu hồ quảng như “Chúng bản”, “Tống Liên chi”, “Xảo bản”...
5 năm sau, em trở lại Huế cùng đoàn với sự dạn dĩ và trưởng thành hơn. Dù không biết liệu Khánh có nối nghiệp mẹ hay không, nhưng ánh mắt em rực cháy niềm tin và sự say mê đối với nghệ thuật truyền thống, một niềm tự hào mà mẹ em và các nghệ sĩ tiền bối đang gìn giữ.
Đây là lần thứ ba Đoàn Hát bội – Tuồng cổ Ngọc Khanh "về nguồn" nhân kỷ niệm 35 năm thành lập. Bên cạnh việc tri ân Tổ nghiệp tại Thanh Bình từ đường – di tích quốc gia thờ tổ sư ngành tuồng Việt Nam, đoàn còn tổ chức hai đêm biểu diễn hát bội, tuồng cổ miễn phí. Chương trình có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn trong làng hát bội - tuồng cổ như Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Khanh, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trinh Trinh, NSƯT Vũ Luân, ca sĩ Long Nhật (khách mời), cùng các nghệ sĩ Phượng Loan, Khánh Tâm, Hiếu Cảnh, Mỹ Hậu, Phương Thảo, Tuấn Dương, Thành Quang, Quang Bảo…
![]() |
Nghệ sĩ Phượng Loan trong trích đoạn tuồng cổ “Lữ Bố hí Điêu Thuyền” biểu diễn ở sân khấu Thanh Bình từ đường. |
Sự kiện này đã thu hút hàng trăm khán giả cố đô đến thưởng thức, trong đó có những người đã lâu không được xem tuồng. Như ông Nguyễn Văn Phước (70 tuổi), sau cuốc xe đạp thồ ở chợ Đông Ba đã thẳng tiến đến Thanh Bình từ đường xem tuồng. Ông kể, lần gần nhất ông xem hát bội - tuồng cổ là cách đây 55 năm. Hay bà Trần Thị Yên (69 tuổi) từ xã Vinh Phú cách trung tâm TP. Huế 30 km cũng không quản ngại đường xa đến xem.
Tình cảm của người dân xóm Thanh Bình dành cho đoàn cũng vô cùng ấm áp. Nhiều ngày trước khi đoàn đến, người dân đã cùng nhau dọn dẹp, dựng sân khấu, rạp và chuẩn bị chỗ ăn ở cho đoàn. NSƯT Ngọc Khanh, Trưởng đoàn, xúc động chia sẻ: "Bà con xóm Thanh Bình giúp đỡ chúng tôi rất nhiều… Những điều ấy, cùng với lửa thiêng của Tổ nghiệp tiếp sức là hơi ấm, nguồn động viên anh em nghệ sĩ chúng tôi rất lớn".
Còn một người xem là còn diễn...
Đêm cuối cùng (ngày 14/7), khi đoàn đang biểu diễn, trời đổ dông tố phập phù. Khi trích đoạn tuồng "Triệu Tử nhập Cam Lồ" gần kết thúc, mưa bất ngờ trút xuống xối xả. Đoàn phải xin lỗi khán giả, tắt đèn. Các nghệ sĩ và nhân viên hối hả thu dọn nhưng cũng chỉ kịp bảo vệ một số nhạc cụ và thiết bị điện tử. Ai cũng ướt sũng, son phấn nhòe nhoẹt. Trang phục, tư trang cá nhân đều ướt. Các thành viên co ro bên trong túp lều giữa ngổn ngang đồ đạc.
Dù đối mặt với vô vàn khó khăn do sự thoái trào của nghệ thuật hát bội - tuồng cổ, các nghệ sĩ vẫn kiên tâm giữ lửa nghề. Họ coi việc theo nghề là "nghiệp". NSƯT Ngọc Khanh cho biết, một năm chỉ có nửa năm là có sô diễn, nửa năm còn lại các nghệ sĩ phải tự kiếm sống bằng nghề "tay trái". Những lần về Huế hay lưu diễn xa, nếu không có sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, đoàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như lần này, anh chị em nghệ sĩ phải tự bỏ tiền túi, chi tiêu tiết kiệm, thuê chung một chiếc xe khách và ăn ở trong lều bạt những ngày lưu lại Huế. Dù vậy, không ai than vãn. Nữ nghệ sĩ Khánh Tâm chia sẻ: "Hôm nay dưới mái nhà Thanh Bình từ đường, cảm ơn Tổ nghiệp đã cho chúng con một lần nữa được ngồi lại bên nhau, lau đi lớp son quá khứ để vẽ lại chương mới rực rỡ hơn bằng màu sắc của tình nghĩa và sự cảm thông".
![]() |
Nghệ sĩ Phượng Loan trong trích đoạn tuồng cổ “Lữ Bố hí Điêu Thuyền” biểu diễn ở sân khấu Thanh Bình từ đường. |
Thanh Bình từ đường được xây dựng từ thời vua Minh Mạng (1825), là di tích quốc gia (1992). Nơi đây thờ nhiều vị thần, thánh, tổ nghề, trong đó có vị tổ và các bậc tiền hiền có công lớn trong ngành hát bội (tuồng Huế). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tuồng từng chiếm vị trí “độc tôn”, đỉnh cao của ngành nghệ thuật khi mang phong cách tuồng cung đình; từng là “quốc kịch” ở xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn. Vào thời vua Nguyễn, Thanh Bình từ đường hằng năm đều diễn ra lễ tế Tổ trọng thể trong 3 ngày, thu hút các gánh hát bội khắp mọi miền đất nước đến diễn. Cao trào rồi thoái trào. Dù có những giai đoạn tưởng chừng đã ngủ yên nhưng đáng mừng là gần chục năm nay, Thanh Bình từ đường ít nhất đã ba lần sáng đèn trở lại mỗi khi Đoàn nghệ thuật Hát bội – Tuồng cổ Ngọc Khanh "về nguồn" biểu diễn.
Đêm 14/7, dưới màn mưa dày bao phủ Thanh Bình từ đường, tôi nhìn ra khoảnh sân, rồi ngước lên sân khấu, như thấy đâu đây hình bóng của cây đại thụ ngành tuồng – hát bội, cố nghệ sĩ Nguyễn Hữu Lập. Ông vừa qua đời ở tuổi 83. Huế lần này vắng ông, khán giả không được xem ông diễn nhưng trích đoạn tuồng cổ của ông – vở "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu" vẫn được các nghệ sĩ biểu diễn và khán giả cố đô đón nhận say mê.
Còn nhớ, năm 2017 và 2020, nghệ sĩ Hữu Lập đều cùng đoàn đến Huế. Ngày 25/7/2020, khi ông "về nguồn" lần thứ hai, tôi đã hỏi ông điều gì khiến ông giữ lửa nghề, dù hát bội – tuồng cổ thoái trào và đời sống nghệ sĩ gặp vô vàn khó khăn, nghệ sĩ Hữu Lập khi ấy đã cười hiền: "Nghề chúng tôi, còn một khán giả ngồi xem, là còn diễn".
Mai Đình Toàn
Ý kiến bạn đọc