Multimedia Đọc Báo in

Hát bội ở làng

06:18, 24/09/2011

Ở làng biển quê tôi trước đây mỗi lần tổ chức hát lăng cầu ngư, ngư dân thường cất rạp ngay trên bãi biển. Rạp hát rất dài và rộng, sườn rạp làm bằng tre, mái rạp phủ tàu dừa, sân khấu lót bằng những cánh cửa ván tạm bợ. Vậy mà người xem đông nghìn nghịt. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi rướn người qua mấy bận mới lọt thỏm vào giữa để rồi khi nhìn mặt gã Cáp Tô Văn vểnh râu, mắt trợn ngược là bạt vía, quay mặt đi nơi khác. Có lẽ nhờ cái tính hiếu kỳ của trẻ con mà tôi sớm làm quen với loại hình hát bội. Song, tôi không tài nào nghe được hết từng lời hát, vì cái thời ấy bạn hát chỉ hát suông bằng… mồm, thắp đèn măng-sông, chứ không có âm thanh, ánh sáng điện như bây giờ. Thêm phần tiếng hát cứ rông rống, khàn khàn thật khó nghe. Sau này lớn lên tôi mới hiểu: Hát lăng trước hết là dân biển cần “lễ” cầu “Ông Nam Hải”, mong sao biển lặng, cá đầy. Sau đó là “hội” cho ngư dân mua vui, bõ những tháng ngày lênh đênh, nhọc nhằn trên biển cả.

 
Ngày nay, hát lăng ở các làng biển được duy trì hằng năm vào độ tháng 5 âm lịch. Vào những đêm trăng sáng, con nước suông không có nhiều cá mực. Ngư dân tự nguyện đóng tiền, rước những gánh hát bội mà họ ưa thích. Ngay từ buổi chiều, các lão ngư đã áo mão xênh xang, trống kèn inh ỏi đi thẳng về lăng để “nghinh ông” trả nợ tâm linh cho những người quanh năm làm bạn cùng sóng to, gió lớn.

Đối với các vùng quê, lâu lâu các lão làng, hào cựu mới đề xướng hát bội “tế lễ tiền hiền”, nguyện cầu cho dân chúng vạn sự bình an, mưa thuận gió hòa, ăn nên làm ra. Trước khi hát, người có tuổi và uy tín cao nhất trong làng làm lễ ra mắt tiền hiền, gửi gắm bao điều tâm niệm. Đến đêm, trai gái, trẻ già háo hức kéo đến lẫm làng, sân đình thưởng thức hát bội. Nhiều cụ rành tuồng kể vanh vách: “Ê kìa! Cái gã Dương Phàm đắm say cừu địch Phàn Lê Huê để rồi chết thảm”, hoặc: “Giận thay cái gã Quách Hòe làm thái giám không nên thân còn bày mưu ác “ly miêu oán chúa”… Có những cụ bình luận đúng phong phóc từng vai diễn: “Thằng cha đóng vai Quan Công mặt đỏ, râu dài thật oai vệ, tiếng nói oang oang như chuông đồng, đúng là phong thái của đấng tôi trung”, hoặc: “Cái ả thủ vai Lưu Kim Đính sắc nước, hương trời, tiếng hát thanh tao thật hợp với thằng cha đóng vai Cao Quân Bảo…”.

Thật đáng khen cho những gánh hát nho nhỏ mỗi lần đi hát phải chạy đôn, chạy đáo góp nhặt từng đào, kép làm đủ mọi thứ nghề, ở đủ mọi nơi mới đủ vai cho những đêm diễn không thường xuyên. Vậy mà họ bước lên sân khấu bằng sự đồng điệu, nhuần nhuyễn đến không ngờ!

Đừng tưởng những khán giả quanh năm lam lũ ở làng quê dễ dãi với tuồng tích, vai diễn. Đào, kép nào ấm ớ trong lời hát, điệu múa là bị khán giả có tuổi “chỉnh gáy” ngay sau đêm diễn. Thật khổ tâm cho những người vì đam mê nghệ thuật mà phải đổ mồ hôi trên sàn diễn và có cả vị chua cay trong miếng cơm manh áo.

Một anh bạn dân văn nghệ nhân lúc trà dư tửu hậu đã thổ lộ với tôi: “Anh ạ! Theo em thì để đạt được cái danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú” trong làng cải lương còn dễ hơn trong làng hát bội nhiều, vì hát bội thật nhọc nhằn, hao hơi, tốn sức trên từng vai diễn và huấn luyện nghệ thuật thật công phu”.

Có thể anh bạn tôi nhận xét đúng chỉ một phần, còn với tôi thì hát bội là một loại hình nghệ thuật cao cấp, lâu đời của dân tộc có đầy đủ: hỉ-nộ-ái-ố sẽ còn đọng lại mãi mãi trong lòng người nơi miền thôn dã.

Trần Quốc Cưỡng

 


Ý kiến bạn đọc