Ngàn năm thương nhớ đất Văn Lang
Hình ảnh hàng vạn con dân từ mọi miền về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong những ngày đầu tháng ba âm lịch hằng năm ở Phú Thọ luôn thức gợi trong tôi niềm cảm khái thiêng liêng về đất nước và dân tộc. Hiếm có một xứ sở nào trên hành tinh này lại có một ngày giỗ cội nguồn như cách mà người Việt vẫn thành kính đảnh lễ mỗi tháng ba về: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”.
Ấn tượng trong tôi về nơi chốn thiêng liêng này vẫn in đậm trong lần hành hương đầu tiên về Đền Hùng từ ba mươi năm trước. Khi đó người dân hành hương chưa đông đúc, lăng mộ vẫn nguyên sơ, trong nắng chiều trung du, đứng trước quần thể Đền Hùng cứ ngỡ như mình làm một phép “xuyên không” rơi về đây từ hàng trăm năm trước…
Phải nói ngay rằng, khi vào bảo tàng, lên đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng rồi xuống đền Giếng, khép kín một vòng hành hương, tôi biết mình lại được gặp thêm một điều may khi hướng dẫn viên là chị Hạnh, một cô gái đã tốt nghiệp khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội với hơn 10 năm “thâm niên”, bởi thế mỗi một di tích được giới thiệu là một lần người xem chợt thấy quá khứ sống dậy, thổi hồn thiêng vào từng viên gạch, dấu rêu, lung linh những huyền thoại của ông cha mấy ngàn năm trước.
Người dân về dự hội đền Hùng năm 2022. Ảnh: Nam Trần |
Chị Hạnh cũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về nhiều người Việt xa xứ, từ Pháp, Mỹ, Úc, Canada... Có cụ già đã sắp bước vào tuổi “cổ lai hy” vẫn lặn lội về đây, bốc một nắm đất bên mộ Tổ, múc một bát nước trong giếng Ngọc, xin một nắm chân nhang đang cháy dở trong chiếc lư nơi lăng vua Hùng... Chỉ ngần ấy thôi rồi gói ghém mang theo về phương trời xa lắc, bày vào nơi tôn kính trong nhà để cảm thấy an ủi rằng tuy cách biệt nghìn trùng nhưng quê cha đất tổ vẫn gần gũi trong nắm đất, bát nước, que nhang, để biết cội nguồn bên mình, nhắc nhở mình là con Lạc cháu Hồng...
Đã bao nhiêu dâu bể, bao thế kỷ qua rồi mà vẫn nghe âm vọng tiếng trống đồng của bộ Văn Lang đã thu phục 14 bộ lạc kia quy về một mối. Còn đây, những chứng tích của văn hóa Phùng Nguyên, dấu tích người Sơn Vi, lưỡi “qua” bằng đá mài nhẵn. Dấu tích của người Việt ban sơ, thuở dựng nghiệp còn kia: hạt thóc Đồng Đậu tìm thấy trong khạp, qua phương pháp đồng vị carbon (C14) cho thấy niên đại cách đây 3.200 năm. Vẫn còn kia, thạp đồng Đào Thịnh với hình người giao hoan trên thạp, hồn nhiên như chính cuộc đời của cha ông ta xưa hay đó còn là khát vọng sinh sôi nảy nở, của mối giao hòa âm - dương?
Cứ thế, mỗi hiện vật, từ lòng đất sâu thẳm đã trở về đây làm thành cuốn biên niên sử. Lớp lớp tháng năm sau điệp trùng chất ngất thời gian cứ lặng lẽ trở về, có phải tiếng trống đồng ấy đã vang lên cùng với Sơn Tinh ầm ầm ngăn sóng dữ và thủy quái, có phải tiếng trống ấy rền vang theo chân ngựa sắt Phù Đổng đuổi giặc Ân bạt vía kinh hồn? Và âm vang trống đồng truyền nối qua bao thế hệ, đến một ngày dội sóng Bạch Đằng cho sứ nhà Nguyên Trần Phu lúc đến đất Việt đã hãi hùng: “Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh” (Nghe tiếng trống đồng mà bạc cả tóc).
Truyền thống ấy, trải mấy chục đời vua Hùng, qua thêm ngàn vạn tháng năm đã được con cháu bây giờ tiếp nối. Còn nhớ một ngày không thể nào quên: Ngày 19/9/1954, trước lúc đại đoàn quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã đến đây, ngồi dưới bóng chò chỉ trên ngọn Nghĩa Lĩnh sơn, bên lăng mộ Hùng Vương dặn dò anh em cán bộ, chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dặn ấy của Bác đã đi suốt cùng cháu con, trải thêm hơn hai mươi năm đằng đẵng để có một ngày 30/4/1975 giang sơn liền một dải.
Trảy hội Đền Hùng. Ảnh: Nam Trần |
Đi qua một vòng bảo tàng, ấn tượng về một quá khứ sâu dày trầm tích khiến bàn chân ta, bước lên từng bậc tam cấp, qua cổng, qua đền, chợt nghe dội vọng từ sâu thẳm đất đai, tiếng nói huyền diệu của cổ tích, của lịch sử.
Đây, đền Hạ, truyền thuyết chép rằng ấy là nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ 100 người con, 50 người theo cha là Lạc Long Quân xuống bể, 50 người theo mẹ lên rừng tạo dựng giang sơn: “rằng cùng một bọc sinh ra”. Có phải thế chăng mà người Việt - và chỉ có người Việt - mới gọi nhau là đồng bào. Cửa vào đền Hạ vừa thấp vừa hẹp, khác với các đền miếu khác. Thấy tôi thắc mắc, chị Hạnh giải thích: “Đây có lẽ là dụng ý của người xây dựng. Muốn bước vào trong đền, qua khung cửa thấp thì phải hơi cúi người xuống, đấy là “nhập môn” của lòng thành kính”... Bên cạnh đền Hạ là chùa Thiên Quang có cây thiên tuế 700 năm tuổi chia ra ba ngọn! Theo những nhà sinh vật cảnh, đây là cây duy nhất ở Việt Nam có tuổi đời và hình dáng như thế.
Đền Trung nằm ở lưng chừng ngọn Nghĩa Lĩnh, tương truyền rằng đây là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày và cũng là nơi vua Hùng thường họp bàn việc cơ mật với các Lạc hầu, Lạc tướng. Đây cũng là ngôi đền có sớm nhất trong khu vực được gọi là “Hùng Vương Tổ miếu”. Thế kỷ XV, khu đền này bị giặc phá, sau đó được xây dựng lại. Cũng vẫn là nếp đình cũ xưa màu ngói, khoảng sân rộng như còn nhắc nhớ đến dấu tích một ngày xuân, chàng Lang Liêu con vua Hùng Vương thứ sáu đã từng làm nương cày ruộng với người dân, cảm hết cái thiêng liêng của đất trời vũ trụ hóa thân vào hạt lúa nắng mưa mà làm ra bánh chưng, bánh dày dâng cho vua cha...
Lối từ đền Trung lên đền Thượng những trái chò chỉ có hai cánh rơi rất đẹp giữa nắng chiều xiên khoai. Từ thăm thẳm sắc rừng, ngan ngát khói nhang, cứ nghĩ về mấy ngàn năm trước, cũng đất trời này, sắc nắng này, trăm họ thái bình, dưới trên hòa thuận, vua Hùng mỗi độ xuân về lại cùng dân cày ruộng cầu mong thóc thơm mùa đẫy. Bởi vậy mà đền Thượng không chỉ thờ trời đất, ở đó còn thờ thần Lúa. Cây lúa của nền văn minh châu thổ sông Hồng mấy ngàn năm trước ngày nay đã được các nhà khảo cứu đánh giá là cái nôi của “văn minh lúa nước” vùng Đông Nam Á. Hạt lúa còn ủ dấu xưa trong từng tầng tầng di chỉ. Bên phía phải đền Thượng còn uy nghi lăng mộ Hùng Vương. Mộ được xây dựng từ nhiều triều vua khác, mãi đến triều Nguyễn mới xây nên lăng bề thế. Từ nơi cao nhất của Nghĩa Lĩnh sơn này, phóng tầm mắt ra khắp cõi, mới biết tài thao lược của cha ông xưa. Dãy núi Voi với 99 ngọn quay đầu phủ phục lớp lớp nối từ sông Thao sang sông Lô ra đến Việt Trì, chỉ có một ngọn núi dáng con voi ngược hướng, tương truyền con voi bội phản ấy đã bị vua chém đầu. Huyền thoại là sản phẩm của trí tưởng tượng cộng với lòng thành kính. Nhưng trên ngọn núi hình con voi phản bội ấy, mỗi mùa mưa nước ri rỉ chảy ra màu đỏ như máu ứa. Giỏi thay là huyền thoại của dân gian, đã khéo đưa bài học đạo đức làm người vào trong cái vô tận của thiên nhiên.
Đền Trung trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh tư liệu |
Từ lăng mộ vua Hùng, theo lối sau qua rừng chò rừng trẩu ngát hương chiều, xuống đền Giếng, nơi thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa của vua Hùng thứ 18 với những truyền thuyết tình yêu thi vị. Hoa đại ngát thơm quyện trong nhang trầm thiêng liêng. Tiên Dung ngày xưa đã tình cờ gặp Chử Đồng Tử trong một lần du thuyền trên Thao Giang, công chúa con vua yêu chàng trai nghèo chài lưới không mảnh khố che thân! Thử hỏi có gì sâu sắc hơn thế khi nói về tình yêu: vừa như là cơ duyên của trời đất, vừa là cái gì đó vượt lên cái gọi là sang - hèn, giàu - nghèo, đẳng cấp. Người ta bảo rằng, đôi lứa yêu nhau thường đến đây, cầm tay nhìn xuống giếng Ngọc thề nguyện trăm năm đầu bạc răng long.
Trở về với đất Tổ, nếu có thời gian đi về với những làng quê như Tứ Xã, Kim Đức... mới cảm nhận được sâu sắc dấu ấn của lịch sử, trải mấy ngàn năm vẫn mang đậm nét nguyên sơ. Những lễ hội phảng phất âm ba tiếng trống đồng, dáng dấp tín ngưỡng phồn thực, ngọt ngào điệu hát xoan... Tất cả nền văn hóa mang tính chọn lọc ấy đủ thức dậy cả ngàn năm văn hiến.
Trở về đất Tổ không chỉ có những con đường vừa kể mà còn một con đường khác: con đường của tâm linh trong sâu thẳm tâm hồn dân Việt, con đường lặng lẽ băng qua trùng trùng lịch sử, dẫn ta về với cội nguồn. Rồi mỗi độ tháng ba âm lịch về, ngóng ra xứ Bắc, nơi xanh thẳm miền Phong Châu - Bạch Hạc có Nghĩa Lĩnh sơn và mộ Tổ, thắp nén nhang thơm để lòng ngưỡng vọng ân đức Tiên Tổ ngàn năm!
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc