Multimedia Đọc Báo in

Nhớ cánh chuồn chuồn tuổi thơ

08:46, 26/09/2021

Được nghỉ ngơi trong những ngày giãn cách, thấy con gái lớn lấy điện thoại lén chụp chú chuồn chuồn đậu trên nhánh mai bên hè, nhắc khẽ “em để yên nào” khi cô em gái chạy ra làm động con chuồn chuồn bay lên nhánh lan cao hơn (bởi dễ gì có một chú đi lạc đến đây) khiến một trời ký ức tuổi thơ của tôi ùa về.

Thuở ấy, khi mùa hè nhẹ gót quay đi mang theo cái oi nồng của những ngày nắng gắt, bầu trời cũng trở nên dịu dàng, êm ả hơn. Cơn mưa đầu mùa xoa dịu không khí, vuốt ve cái tròng trành nắng vỡ. Con đường chiều đón nhận vài chiếc lá vàng chao nghiêng xao xác rụng rơi. Ngoài vườn lại là sắc màu sặc sỡ của những chú chuồn chuồn lượn lờ quanh cây cối. 

Khi ấy, mỗi khi chiều dần buông, gió lao xao vòm cây ngọn cỏ, thu khoác trên mình bộ áo hoàng hôn tuyệt đẹp. Lũ chuồn chuồn lại kéo nhau bay lượn nơi đồng bãi, ghé dừng lại trên những nhánh cỏ quê hương. Bọn trẻ con chúng tôi ai cũng háo hức chờ đợi như đón chờ món quà bất ngờ mà thiên nhiên ban tặng. Tiếng cười đùa làm náo động cả một góc trời quê. Vui sướng khi bắt được chuồn chuồn với bốn cánh nhỏ xinh, nhiều đứa tiu nghỉu vì chẳng bắt được con nào thì trời cũng nhá nhem tối.

Minh họa: Trà My

Có dịp đi dạo trên triền đê mát rượi, con nước tròng trành chảy tưới tắm ruộng đồng, sẽ bắt gặp đám chuồn chuồn đang nô đùa cùng những cánh hoa vàng tươi, có chú nghịch ngợm chao nghiêng trên mặt nước rồi vút lên tầng không trong sự reo hò của lũ trẻ. Giữa đồng quê yên ả, chuồn chuồn bay là là trên dòng kênh, thả đôi chân bé xíu như đang chơi đùa cùng sóng nước lăn tăn, cũng có khi cao hứng, chúng bay vọt lên theo làn gió nhẹ thoảng đưa. Chiếc lá nhẹ rơi trên sóng nước, tựa như con thuyền nhỏ đang lững lờ trôi theo dòng nước chênh chao. Có chú chuồn chuồn tinh nghịch đuổi theo rồi dần mất hút giữa khoảng xa.

Chuồn chuồn đất nhỏ xinh khoác lên mình chiếc áo vàng nhạt, chẳng biết nghĩ gì mà đậu thật lâu trên cành hoa mướp ở triền đê. Chuồn chuồn tương, chuồn chuồn bướm mặc áo the mỏng, điểm lấm tấm vài hạt vàng mơ tạo dáng, làm duyên. Chuồn chuồn ớt tuy có lúc đậu hàng giờ trên nhánh cây khô nhưng chúng rất nhanh nhẹn và tinh mắt, vì hầu như chưa đứa trẻ nào có may mắn bắt được chúng.

Bắt chuồn chuồn là thú vui dân dã mà đứa trẻ thôn quê nào cũng ưa thích. Cứ chiều chiều, năm bảy đứa trong xóm xúm lại, rủ nhau đi bắt chuồn chuồn. Có một trò dại mà đứa nào cũng trải qua: bị lừa muốn biết bơi thì bắt chuồn chuồn đem cho cắn rốn. Chẳng biết có phải vì sợ đau hay không mà nhiều đứa nhỏ cứ cho chuồn chuồn cắn một cái rồi thì mấy bữa sau bơi được, thậm chí bơi giỏi. Vì thế cứ ngây ngốc tin không có một cơ sở khoa học nào.

Hình ảnh con chuồn chuồn thân thuộc đã in đậm trong ký ức tuổi thơ. Tháng năm trôi qua, lũ nhóc ngày ấy giờ đã lớn khôn trưởng thành, và trong đôi mắt vô tư ngày nào nay đã hằn thêm những muộn phiền âu lo. Xa tuổi thơ, xa những ngày thơ dại, xa những cánh chuồn chao nghiêng trong gió, xa khung trời tuổi mộng để bước vào “cuộc hành trình” đầy gian lao, nhiều thử thách. Tháng ngày tất bật với chuyện áo cơm, nên đôi khi tôi để quên những ký ức ấu thơ của đời mình ở đâu đó. Để rồi khi bắt gặp từng hình ảnh thân quen, tôi bỗng nghe bao cảm xúc tràn dâng, và lòng như sắt se bao nỗi nhớ!

Giờ chỉ ước được dạo bước theo lối nhỏ miền quê, được nhìn cánh hoa vàng đã nở rộ ven triền đê, sự dung dị bình yên cho góc trời mùa thu. Bãi trống nơi lũ trẻ thường đùa vui, những đám cỏ non xanh rì khẽ chen chúc dưới bước chân, vẫn còn đó những cánh chuồn chuồn lướt gió bay về, và chở theo bao ký ức của một thời xa xưa. Hy vọng sau những ngày giãn cách, chúng tôi – lũ trẻ ngày xưa sẽ được quây quần cùng nhau hàn huyên tâm sự, để được ngắm trời quê yên bình, để cuộc sống trở về với những ngày bình yên trước đây…

Phạm Thị Mỹ Liên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.