Multimedia Đọc Báo in

Giữa mùa gió bấc…

16:50, 26/10/2021

Có những ngày đầu đông thật lạ. Giữa lành lạnh cơn bấc đầu mùa, trái tim như run rẩy bởi bao xao động ngân lên trong tiềm thức. Ký ức như ánh đèn tỏa quầng sáng ấm áp và diệu vợi trong đêm.

Có một khoảng trời mà tôi đã gói ghém thật nhiều thương nhớ riêng dành cho mẹ. Để rồi khi đi qua bao đắng ngọt vui buồn, hình bóng mẹ vẫn lặng thầm lấp đầy những trống trải trong tôi. Và tôi biết dù mình thật nhỏ bé giữa thế gian bao la này, nhưng tôi mãi là tất cả của mẹ.

Chớm đông, những khuya mất ngủ, trời đầy sao, gió lang thang ngoài hiên gợi một nỗi riêng tư man mác, tôi thường nghĩ về mẹ. Sự tĩnh lặng của đêm như khỏa lấp mọi ngõ ngách trong tâm hồn. Đó là khi những sâu xa kín đáo từ bên trong được cất tiếng. Những nỗi buồn thổn thức như loài hoa nở về đêm ngây ngất một làn hương cũ. Đâu đó ngoài khóm lá mơ hồ vọng lại tiếng vỗ cánh của loài chim ăn đêm.

Lòng tôi tự hỏi, cái lạnh đầu mùa có len vào giấc ngủ của mẹ, gió sương ngoài trời có làm mẹ thao thức bởi những tiếng kêu khớp rã rời - thanh âm của bao tháng ngày lặn lội áo cơm? Đêm của mẹ như dài thăm thẳm, là vì nỗi bận lòng về đứa con ở một phương trời khác, hay bề bộn xót xa những thất bát mùa màng? Gió tràn hun hút qua cánh đồng sương muối, có phải tóc mẹ bạc dần từ những khuya lạnh gió trở chông chênh?

Chớm đông, tôi gặp lại mùa lau trắng trong những hình dung cũ. Một loài cây âm thầm bén rễ vào hoang vu, mong manh như một lời hẹn cuối. Gió thổi ngàn lau kể chuyện viễn du, giăng vào lòng người những tàn phai, xoáy buốt.

Tôi nhớ dáng mẹ về giữa chạng vạng mưa dầm, ống quần bết ướt vương những cánh hoa lau. Nhớ ô cửa sổ trông ra vạt đồi bàng bạc lau trắng, giữa màn sương thanh mảnh như hơi thở của mùa.

Mẹ thường ngồi lặng lẽ vá áo sau ô cửa ấy. Còn tôi, trầm tư bên mẹ nhìn ra mảnh trời lưng lửng bóng mây, mông lung mơ về những chân trời lạ. Tóc mẹ màu lau trắng, tóc tôi màu đêm đen, tôi đâu biết một ngày mình như cánh chim lạc lối, giữa xa xôi nhớ mẹ phải quay về. “Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Bóng mẹ nhòa vào bóng hoàng hôn lấp lửng lưng đồi, gió vẫn ràn rạt thổi suốt mùa lau…

Minh họa: Trà My

Chớm đông, tôi ra trước hiên nhà trông theo những đàn chim di trú. Lặng lẽ và mải miết, cánh chim bạt gió mang theo những câu chuyện mùa màng qua bao vùng đất lạ.

Tôi thường tự hỏi, đường xa mỏi cánh có làm đàn chim di trú nhớ một quãng đồng xanh, một vạt rừng thẳm từ nơi chúng đã bay đi? Chúng đến từ đâu và sẽ về đâu, cạm bẫy suốt dặm dài sương gió có làm cánh chim nào bị bỏ lại? Thế gian này, dù là những cuộc dứt mình ra đi hay xé gió quay về, thì đều ứa nghẹn bao niềm nỗi bể dâu.

Có những chiều tôi ngồi đợi một tiếng chim ngày cũ. Chưa bao giờ tôi thấy được hình dáng loài chim ấy, chỉ nhận ra một giọng hót như lạ như quen, vút lên bất chợt rồi cứ hoài lẻ loi, da diết. Những cái tên mà người đời đặt cho chúng cũng vô định theo giọng hót, có thể là “bắt cô trói cột”, cũng có thể là “chín cô bốn chục”, “năm trâu sáu cọc”…

Tôi về bâng quơ hỏi mẹ, người lại nghe từ giọng hót đó một nỗi “thương con xót ruột”, giữa thăm thẳm rừng chiều. Ngày tôi khăn gói đi xa, những giấc mơ đôi khi sẩy ra khỏi chiếc lồng phố thị, trở về ngọn đồi sương khói tìm lại tiếng chim thuở nào.

Mường tượng những ngày gian nhà chỉ có bóng mẹ, mùa đông hiu hiu gió bấc, hẳn là tiếng chim đã hòa vào tiếng lòng của mẹ, nghe thấm thía khôn nguôi. “Thương con xót ruột!”, “thương con xót ruột!”, tiếng kêu sao day dứt vô cùng.

Chớm đông, rêu đã xanh dấu chân về ngõ nhỏ. Vẫn tiếng bò kêu ngơ ngác trong những chiều nắng nhạt, vạt rau đắng non mướt sau mưa. Vẫn buồng chuối vườn chín vàng quá nửa, ổ trứng tròn xoe lấm vết tro tàn. Và thiên đường đôi khi chỉ là một chỗ ngồi bên mẹ, dẫu ngoài trời gió lạnh từng cơn…

Trần Văn Thiên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.